Thú thư giãn mới
Ngày càng có thêm nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư cho các dịch vụ tận hưởng, chăm sóc sức khỏe. Cách đây chừng chục năm, ghế massage tự động vẫn còn là một món đồ xa xỉ, thì lúc này việc bỏ ra vài chục triệu để “rinh” về một chiếc máy thư giãn đã không còn là chuyện lạ lẫm.
Sau những giờ lao động căng thẳng, mệt mỏi, nhất là với những người có xu hướng ngồi lâu một chỗ như nhân viên văn phòng, ghế massage chẳng khác nào một bác sĩ trị liệu vật lý mát tay.
Chị Hường (Cầu Giấy, Hà Nội), là nhân viên văn phòng luật sư, sau một thời gian sử dụng ghế massage, chia sẻ: “Mình được xoa bóp, bấm huyệt, thư giãn toàn thân, nhất là sau một ngày ê ẩm vì ngồi quá nhiều trước máy vi tính”.
Một chiếc ghế massage kiểu này, theo quảng cáo, được tính toán thiết kế với kiểu dáng khá linh động. Phần chân có thể được điều chỉnh để nâng cao hơn phần đầu, giúp giảm lượng máu dồn xuống đôi chân đã mệt mỏi sau cả ngày dài nâng đỡ trọng lượng cơ thể.
Ngoài ra, chiếc ghế massage có thể co duỗi theo ý muốn người sử dụng, thậm chí trải dài như một chiếc đệm ngủ. Người sử dụng có thể ngủ ngay trên ghế sau một lần massage như vậy.
Các bác sĩ vật lý trị liệu cũng chỉ ra rằng: sử dụng máy massage ở một mức độ hợp lý sẽ giúp chữa trị các bệnh về xương khớp, dây thần kinh, xua tan mệt mỏi ở các vùng cơ, điều hòa huyết áp, tim mạch.
Cơ hội kinh doanh
Nắm bắt nhu cầu thư giãn, chăm sóc sức khỏe của khách hàng, rất nhiều hãng kinh doanh ghế massage đã tung ra các chiêu tiếp thị hấp dẫn. Dạo quanh các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, hình ảnh những nhiều ghế massage đặt ở lối đi lại phục vụ khách đã không còn lạ lẫm.
Để có mặt tại đây, việc đầu tiên, các công ty sở hữu máy massage sẽ trả một khoản phí hàng tháng để thuê lại mặt bằng của khu thương mại, mua sắm để làm chỗ đặt ghế. Tùy vào lưu lượng khách ở mỗi trung tâm thương mại mà số tiền thuê mặt bằng có thể dao động từ 1 – 2 triệu đồng/máy/tháng, đôi khi nhiều hơn.
Hai bên cũng ký một hợp đồng chia sẻ lợi nhuận quy định khoản ăn chia: 70 – 30 (70% lợi nhuận thuộc về đơn vị sở hữu ghế massage, 30% lợi nhuận còn lại trả cho đơn vị cung cấp mặt bằng).
Tuy nhiên, có một hình thức kinh doanh mới đang hấp dẫn nhiều người hơn, đó là: cho thuê ghế massage. Theo đó, chủ sở hữu có thể cho khách hàng cá nhân sử dụng ghế massage và thu tiền theo giờ hoặc trọn gói trong 1 ngày.
Phí thuê theo giờ dao động ở khoảng 100 nghìn đồng/người/giờ. Còn phí thuê máy trọn gói trong ngày là khoảng 1 – 1,5 triệu đồng. Mỗi ngày chỉ cần cung cấp dịch vụ cho 5 khách hàng, chủ sở hữu ghế massage cũng đã thu về số tiền khá lớn.
Tính ra, mỗi tháng, trung bình người làm dịch vụ cho thuê ghế massage có thể thu lợi nhuận từ 10 – 15 triệu đồng.
Mức phí đầu tư cho một máy massage “xịn” rơi vào khoảng 30 – 40 triệu đồng, cá biệt có những máy massage đa chức năng, hiện đại, giá có thể lên tới cả trăm triệu đồng.
Anh Trung Anh, chủ của một nhà hàng ẩm thực ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: cách đây nửa năm, anh có đầu tư 2 ghế massage chất lượng cao với tổng trị giá là 60 triệu đồng. Anh cho đặt một chiếc ở nhà hàng để phục vụ, còn một chiếc cho thuê lưu động. Trung bình, doanh thu mỗi tháng của hai chiếc ghế massage rơi vào khoảng hơn 10 triệu đồng.
Tuy vậy, dịch vụ kinh doanh cho thuê ghế massage cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Việc bảo trì máy móc luôn phải được tiến hành đều đặn. Ngoài ra, nếu không tiếp cận được nguồn khách hàng tiềm năng, dồi dào, số tiền thu về cũng sẽ không bù được các khoản chi phí.
Ở một số trung tâm thương mại, người kinh doanh đã phải cho thu hồi nhiều chiếc “ghế sung sướng” vì hiệu quả kinh tế không cao như mong đợi (mỗi ngày chỉ thu được vài chục nghìn đồng tiền dịch vụ).
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]