Luôn được xả quỹ, doanh nghiệp có lợi lớn
Chỉ nửa năm qua, thị trường xăng dầu Việt Nam đã 9 đợt điều chỉnh giá. Cũng như các năm trước, số lần tăng giá và mức tăng vẫn thường lớn hơn là mức giảm.
Trong đó, xăng là mặt hàng tăng giá mạnh nhất và không có lần nào giảm. Với 4 lần tăng, đến nay, giá xăng đã tăng 1.020 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ tăng 4,2% so với mức giá ngày 1/1/2014.
Dầu hoả có 4 lần tăng giá và 2 lần giảm giá. Hiện, giá dầu hoả ở mức 22.450 đồng/lít, tăng 140 đồng/lít so với ngày đầu năm, tăng 0,6%.
Dầu madut cũng có 4 lần tăng giá và 2 lần giảm giá. Mức hiện hành là 18.570 đồng/kg, đang tăng 60 đồng/kg so với đầu năm, tỷ lệ chỉ tăng 0,3%.
Chỉ riêng mặt hàng dầu diezen có mức giá hiện nay giảm so với đầu năm. Sau 4 lần tăng giá và 5 lần giảm giá, đến nay, giá mặt hàng này giảm 390 đồng/lít, hiện bán 22.550 đồng/lít, giảm 1,7%.
Tuy nhiên, so với tương quan giá thế giới, giá thị trường xăng dầu trong nước vẫn có sự lệch pha ít nhiều.
Cụ thể, trên thị trường Singapore, theo cập nhật của Bộ Tài chính mới đây, giá bình quân 30 ngày tính đến 22/6/2014 đối với xăng A92 ở mức 119,357 USD/thùng. Nếu so với mức giá thành phẩm bình quân vào cuối năm 2013, căn cứ cho mức giá bán lẻ hồi tháng 1 năm nay thì giá xăng thế giới tăng 4,2%.
Trong khi mặt bằng thuế không thay đổi, hai mặt hàng dầu bán lẻ trong nước đã giảm thấp hơn so với mức giảm của thị trường thế giới thì mặt hàng còn lại là xăng và madut có mức tăng ngang bằng giá thế giới: xăng cùng tỷ lệ 4,2% hay dầu madut tăng dưới 1%, nhưng lại luôn được Quỹ bình ổn bù giá ở mức khá cao.
Kể từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã có 13 đợt điều chỉnh về Quỹ bình ổn giá, trong đó, có 9 đợt xả quỹ bù cho xăng, 6 đợt xả bù cho dầu hỏa, 3 đợt xả bù cho dầu diezen và 5 đợt xả bù cho dầu madut. Hiện giá xăng và dầu madut đều đang được bù tới 300 đồng/lít, lần lượt bằng 1,1% giá bán lẻ xăng A92 và bằng 1,6% giá bán lẻ dầu madut.
Số liệu Quỹ bình ổn tính đến tháng 6 chưa được công bố. Tính đến quý I năm nay, Bộ Tài chính cho hay, quỹ được sử dụng tới 370 tỷ đồng. Đây chính là nguồn lợi nhuận đáng kể bù cho các doanh nghiệp sau mỗi lần "bị" giữ giá hoặc tăng không hết mức.
Quỹ bình ổn thực tế là thu từ chính túi tiền của người tiêu dùng khi mua mỗi lít xăng dầu. Họ phải bỏ thêm 300 đồng/lít. Do vậy, việc sử dụng quỹ cũng chính là một hình thức người dân bỏ tiền ra để bù cho doanh nghiệp.
Rõ ràng, với mức giá tăng ngang bằng giá thế giới, hoặc giảm thấp hơn mức giảm của thị trường thế giới thì chưa cần đến quỹ, việc điều chỉnh giá này cũng đã đủ giúp cho doanh nghiệp có lợi nhuận. Cộng thêm việc tiếp tục được bù từ Quỹ bình ổn, doanh nghiệp xăng dầu đã được lợi nhiều hơn. Cân đo kỹ càng, người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang phải mua xăng dầu ở một mức giá cao hơn giá bình quân thế giới.
Vận hành sát giá thế giới, không cần quỹ
Đó là lý do mà cuối năm tổng kết, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn lãi to, dù thị trường này thường xuyên bị kìm giá.
Theo SaigonPetro, hai tháng đầu năm, nhiều thời điểm các doanh nghiệp bị cắt lợi nhuận định mức.
Ví dụ, trong 40 ngày đầu năm, tính đến 10/2, mặt hàng xăng được Bộ Tài chính yêu cầu tạm cắt hoàn toàn lợi nhuận định mức. Mặt hàng dầu hoả cũng không được tính lợi nhuận cho đến ngày 27/1 và sau đó, được tính nhưng bị cắt tới 200 đồng/lít. Mặc hàng dầu diezen bị giảm mất 50 đồng/lít, cũng kéo dài đến ngày 27/1. Sau đó nhuận định mức mới được khôi phục dần dần và phải đến ngày 31/3, cả 4 mặt hàng mới bắt đầu được tính đủ ở mức 300 đồng/lít.
Phương thức điều hành giá của Bộ Tài chính là luôn kết hợp với việc sử dụng Quỹ bình ổn và điều chỉnh nhuận định mức. Ở góc độ vĩ mô, cách điều hành như vậy sẽ giúp thị trường ổn định hơn, không có biến động giá cả lớn. Mỗi lần tăng giá "không gây sốc, không giật cục" đúng như Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ tại Quốc hội.
Nhưng theo các doanh nghiệp, chính bởi vậy, giá bán lẻ vừa qua không phải là giá thật của doanh nghiệp và vẫn không thực sự sát mặt bằng giá thế giới.
"Đáng lẽ, giá có thể tăng cao hơn một chút, nhưng doanh nghiệp không tăng, hoặc ngược lại, giá có thể giảm nhiều hơn, nhưng thực tế lại không giảm nhiều nên đã dẫn tới sự lệch pha khi so sánh biến động giá bán lẻ trong nước và biến động giá thế giới", vị chuyên gia của doanh nghiệp phân tích.
Theo doanh nghiệp này, trên thực tế, thị trường xăng dầu 6 tháng qua không biến động căng thẳng. Mức lỗ cao nhất mà doanh nghiệp ghi nhận ở mặt hàng xăng mới là hơn 600 đồng/lít. Nếu "thả cửa" cho giá xăng dầu trong nước đúng 10 ngày có 1 đợt điều chỉnh thì mỗi lần tăng, cũng chỉ loanh quanh trên dưới 300 đồng/lít mà không cần đến công cụ quỹ hay điều tiết lợi nhuận định mức. Con số này thấp hơn nhiều so với những giai đoạn điều hành gây sốc, giật cục trước đây, khi một lúc tăng 1.000-2.000 đồng/lít.
Một đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ, việc điều hành giá xăng dầu vừa qua lạm dụng quá nhiều công cụ Quỹ bình ổn và đặc biệt là khoản C, điều 27 của Nghị định 84, đặt thị trường xăng dầu trong bối cảnh "có những biến động gây ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống xã hội". Nếu đúng theo Nghị định 84, chỉ khi giá cơ sở tăng trên 7% mới cần dùng đến Quỹ bình ổn thì có lẽ, trong thời gian qua, không có chuyện âm Quỹ và không khiến người tiêu dùng thấy bất minh ở giá xăng dầu.
Thông tin từ cuộc họp báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi Nghị định 84 mới đây cho biết, các thành viên đều đã thống nhất, kiểm soát thị trường xăng dầu với mức tăng trong phạm vi 450-500 đồng/lít là dễ chấp nhận được. Với quan điểm này, nếu giá xăng dầu tăng theo đúng nhịp của giá thế giới, thì thị trường này sẽ trở nên minh bạch, không gây bức xúc cho dư luận.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]