Vận chuyển vải đi tiêu thụ ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, đã cho biết như vậy bên lề Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương về công tác Quản lý thị trường 6 tháng cuối năm 2014, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 1/7.
Giải thích thêm, theo ông Nghĩa, quả vải Trung Quốc có hình dáng to hơn và đẹp mã hơn quả vải của Việt Nam, tuy chất lượng chưa thể phân biệt được nhưng về giá thành thì đắt hơn khá nhiều so với quả vải trong nước.
"Về khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam và Trung Quốc khá giống nhau nên một số mặt hàng nông sản của Việt Nam và Trung Quốc cũng có đặc điểm tương tự nhau, số lượng nhập về cũng chỉ nhỏ lẻ và hiện tượng trên chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn chưa đến 10 ngày," ông Nghĩa cho hay.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng cảnh báo, hiện tượng quả vải Trung Quốc xuất vào thị trường Việt Nam là một dấu hiệu cạnh tranh trong thời gian tới. Do vậy, các cơ quan chức năng trong nước và người dân cần chú ý nâng cao về chất lượng và mẫu mã giúp quả vải của Việt Nam có thể nâng được giá trị xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Công Thương ngày 20/6 cho biết, dự kiến năm 2014 tổng sản lượng vải thiều đạt khoảng 190 nghìn tấn, tăng 13,6% so với mùa vụ năm 2013, trong đó tiêu thụ trong nước bình quân chiếm 60% và xuất khẩu chiếm khoảng 40% tổng sản lượng.
Trong số các thị trường chính như: Trung Quốc, Lào, Campuchia... thì Trung Quốc chiếm tới trên 90% lượng quả vải xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến ngày 20/6/2014, tổng sản lượng quả vải tiêu thụ đã đạt khoảng 61,8 nghìn tấn; trong đó, xuất khẩu qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn là 24,9 nghìn tấn, với trị giá là 13,8 triệu USD (xuất khẩu qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai là 15,4 nghìn tấn, tỉnh Lạng Sơn là 9,6 nghìn tấn với trị giá gần 8 triệu USD), với giá trị xuất khẩu bình quân dao động từ 8.500 đồng đến 18.000 đồng/kg.
Trong những ngày cuối tháng Sáu, trung bình mỗi ngày có khoảng 1,7 nghìn tấn quả vải tươi của Việt Nam được xuất khẩu qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn sang thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này việc tiêu thụ quả vải tươi mùa vụ 2014 tại thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu vẫn đang diễn ra tương đối thuận lợi.
Để đảm bảo hướng phát triển lâu dài cho quả vải, Bộ Công Thương cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng này; trong đó, tập trung nghiên cứu đưa mặt hàng quả vải và các sản phẩm được chế biến từ quả vải vào Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với quả vải thiều tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu...
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang triển khai Đề án “Tổ chức dịch vụ giao nhận và hệ thống phân phối mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ vùng sản xuất đến cửa khẩu và xuất khẩu sang Trung Quốc” nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong khâu lưu thông, xuất khẩu hàng hóa./.
Xem thêm: Vải TQ xuất sang VN: Sở Công thương... chưa thấy?
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]