Trải qua nửa thế kỷ, hiện tại, ở Lái Thiêu, Bình Dương chỉ còn vài nhà còn làm nghề nung heo đất, do sản phẩm truyền thống đang phải cạnh tranh khốc liệt với heo nhựa.Số hộ làm heo đất ở làng nghề tại Lái Thiêu, Bình Dương giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng những người thợ ở các cơ sở sản xuất vẫn lạc quan, yêu đời và đều có thâm niên gắn bó với những chú heo đất truyền thống này từ 10 đến hơn 20 năm.
Những lò nung heo đất nằm sâu trong các con hẻm, thường được bố trí cạnh bờ sông, kênh rạch để tiện đường vận chuyển bằng đường thủy. Đang vào mùa mưa nên việc sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn.
Người thợ ngày đêm chân lấm tay bùn chật vật với nghề nhưng vẫn không đủ sống. Chị Mai, một nghệ nhân đã hơn 10 năm gắn bó với nghề cho biết: "Nghề này khổ lắm, vào những ngày cao điểm phải đổ từ 300 đến 500 khuôn heo, thời tiết thì thất thường, mà mỗi con heo đất thành phẩm người ta chỉ trả cho công nhân có 400 đồng. Những ngày trời mưa thì coi như không có sản phẩm".
Những chú heo đất được người thợ chăm từng chút một để cho ra lò sản phẩm không tì vết.
Nung bằng lò củi truyền thống nên phải mất từ 3 đến 8 tiếng heo đất mới đủ chín để ra lò.
Để chạy đua với thị trường, các lò heo đất truyền thống tạo thêm nhiều kiểu dáng, cũng như thêm nhiều con vật mới như chó, gà, dê...
Sản phẩm chưa sơn phết từ lò nung chuyển đến các cơ sở phân phối chỉ có giá từ 2.700 - 4.000 đồng, tùy vào kích thước.
Anh Nguyên, một chủ lò nung heo đất cho biết, mỗi ngày cơ sở anh cho ra lò 1.000 - 2.000 sản phẩm, chủ yếu là loại truyền thống. Theo anh Nguyên, nghề này thu nhập bấp bênh, chỉ hút hàng vào dịp trước và sau tết. Cũng vì vậy mà tTrước đây làng có rất nhiều lò, nhưng rơi rớt hết, giờ chỉ còn vài lò sản xuất cầm chừng.
Heo đất sau khi nung sẽ được chuyển qua giai đoạn trang trí với các màu nổi như xanh, đỏ, vàng, cam. Những người thợ làm ở khâu này được mệnh danh là "
nghệ sĩ vẽ heo". Khâu vẽ được thực hiện bằng tay nên mỗi chú heo đều có những nét mặt, chi tiết khác nhau. Trong làng có những hộ không mở lò sản xuất mà chuyên thu mua lại heo đã nung đem về gia công, trang trí hoa văn rồi bán cho thương lái. Có hộ chuyên bán đất sét, có hộ chuyên nặn và nung heo, có hộ làm trang trí, hoàn thiện sản phẩm...
Loại hút hàng nhất trên thị trường hiện nay là loại heo vàng, có giá cao hơn những loại được sơn bình thường.
Riêng loại truyền thống hơn 50 năm qua vẫn giữ nguyên một kiểu dáng từ màu sắc đến cách trang trí. Một con heo đất thành phẩm có giá chỉ 4.000 - 6.000 đồng. Tuy nhiên, heo đất truyền thống ở thị trường trong nước đang tiêu thụ rất chậm vì phải cạnh tranh lại hàng nhập khẩu có kiểu dáng hiện đại và bắt mắt hơn. Hiện nay mặt hàng này chủ yếu dùng để xuất khẩu sang Lào, Campuchia,Thái Lan.
Theo Zing.vn