Những mặt hàng nội “đả bay” hàng ngoại
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ: “Cách đây gần 10 năm, bia Táo của Trung Quốc đã thua đau đớn trên thị trường nội địa do bia Hà Nội đã đánh bật khỏi thị trường với sức tiêu thụ hằng trăm triệu lít/năm. Tiếp đến là bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã hất cẳng hàng ngoại nhập để choán hết thị trường nội địa. Điều đáng nói là thời điểm hiện tại, những mặt hàng này vẫn đứng vững trên thị trường nội địa”.
Tiếp bước các “đàn anh”, phải kể đến mặt hàng may mặc của những công ty may như May 10, Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè, An Phước… đang được người Việt Nam đặc biệt ưa chuộng. Các mặt hàng như lương thực, thực phẩm tươi sống, hàng ăn… hàng nội vẫn thắng thế. “Các hàng bánh kẹo, thị phần doanh nghiệp nội địa so với hàng nhập khẩu là 50-50”, ông Vũ Vinh Phú cho biết thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam cũng tự hào rằng: “Ngành vật liệu xây dựng trong nước đang phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây. Nhiều mặt hàng đã thay thế được việc nhập khẩu, thậm chí đã xuất khẩu như xi măng, sắt thép… Đặc biệt, sự ra đời vật liệu không nung đang rất được ưa chuộng trên thị trường nội địa”.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty CP Thép Việt (Pomina) chia sẻ: “Các công ty thép nội đang phải cạnh tranh với nhau khá khốc liệt. Do thép sản xuất trong nước đang vượt cầu vì vậy nhiều công ty đã phải xuất khẩu. Tuy nhiên, việc đưa thép ra nước ngoài không phải là chuyện vui với các công ty thép nội vì phải đưa đi xa mà lợi nhuận vẫn không cao nhưng vẫn phải chấp nhận để bán được hàng”. Cũng theo ông Thái, với công suất lên đến 1,5 triệu tấn/năm, nhưng hiện nay khả năng tiêu thụ của Pomina mỗi tháng cao nhất chỉ được 80.000 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm gần 50%.
Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt cho biết, nhiều năm qua Tổng công ty đã tập trung nhiều biện pháp phát triển thị trường trong nước để phát triển và tăng trưởng bền vững. Tổng công ty coi thị trường trong nước là “sân nhà”, đẩy mạnh đổi mới kỹ thuật và công nghệ sản xuất, tạo sự đột phá về chất lượng sản phẩm, đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng cao không thua kém hàng ngoại nhập nhưng lại có giá thành rẻ hơn”.
Vẫn nhiều rào cản
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm sản xuất kinh doanh BSA cho biết: “Tín hiệu đáng mừng là hiện nay người dân đã thận trọng với hàng không rõ nguồn gốc, hàng ngoại nhập giá rẻ chất lượng kém, quan tâm hơn đến hàng Việt. Thái độ chuộng hàng Việt cũng làm nảy sinh tình trạng hàng ngoại nhập “mượn áo” Việt Nam để tiêu thụ. Những điều này cũng đang đặt ra ứng xử phức tạp hơn”.
Nhìn nhận tổng quan về thị trường bán lẻ, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, do chưa có mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng nên hàng Việt tuy đã áp đảo ở các siêu thị, trung tâm thương mại nhưng vẫn bị lép vế ở chợ truyền thống. Tiểu thương muốn bán hàng nội, người tiêu dùng cũng muốn mua hàng nội nhưng hàng nội vẫn chưa tìm được chỗ đứng ở chợ truyền thống vì thiếu sự liên kết giữa sản xuất, phân phối. Khảo sát của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho thấy, nhiều tiểu thương cần hàng nội không được doanh nghiệp đáp ứng ngay vì đang tập trung xuất khẩu. Một số doanh nghiệp lại có tâm lý rằng đưa hàng vào chợ truyền thống sợ hàng hóa của mình bị coi là hàng chợ (thấp điểm)....
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì quan ngại về tình hình hàng lậu, hàng nhái đang là những rào cản lớn khiến cho hàng Việt khó đến gần với người dân. Bởi vậy, công tác quản lý thị trường cần phải được thực hiện nghiêm túc và sâu rộng hơn nữa. Bên cạnh đó, kinh phí hạn hẹp, chiến dịch marketting, quảng cáo sản phẩm chưa chuyên nghiệp đang là những hạn chế của doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường nội địa.
Ông Vũ Vinh Phú đánh giá, cần phải nhìn thẳng thực trạng rằng, khi mình mạnh thì đối phương lùi, khi mình yếu thì họ lấn tới. Có những hàng Việt Nam chưa sản xuất được, có những hàng sản xuất được thì giá thành cao… Tuy nhiên, lịch sử cũng đã chứng tỏ nhiều trường hợp hàng Trung Quốc bị hàng Việt đánh bật ngoạn mục, chiếm lại thị trường trong nước suốt nhiều năm qua. Nhưng doanh nghiệp nội không được chủ quan mà phải tiếp tục cải tiến mẫu mã, đẩy năng suất, hạ giá thành, tổ chức lại hệ thống phân phối. Trong tương lai gần thị trường hoàn toàn mở cửa, thuế nhập khẩu bằng 0, cao nhất là 5% thì doanh nghiệp trong nước sẽ chính thức đối mặt với các đối thủ nặng ký từ nước ngoài nên chủ quan sẽ bị họ “hạ gục”.
“Đề nghị Nhà nước can thiệp để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Bên cạnh đó, vì tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng vẫn còn nặng nề. Nhiều cơ quan nhà nước vẫn dùng giấy ngoại, vật dụng khác cũng là hàng ngoại nhập. Vì vậy, Nhà nước cần quản lý cả chi tiêu công theo hướng ưu tiên cho hàng nội”.
Ông Vũ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam
Theo Giadinh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]