Nếu so sánh, chỉ số giá hàng hóa giảm mạnh nhất, bởi chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI All-Country World Index chỉ giảm 2,8% trong tháng 8, còn chỉ số đồng USD Bloomberg Dollar Spot Index so với 10 đồng tiền đối tác chủ chốt thậm chí còn tăng mạnh nhất kể từ 2008 khi tăng 6,7%.
Giá dầu thô Brent dùng tham chiếu cho thị trường thế giới phiên kết thúc quý III giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm. Dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng giảm gần 4% trong ngày cuối quý, mức giảm mạnh nhất kể từ 2012. Giá vàng kỳ hạn cuối quý chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm 2014, tính chung trong tháng 9 giảm nhiều nhất kể từ tháng 6/2013.
Giá đồng tháng 9 giảm mạnh nhất kể từ tháng 3. Đậu tương trải qua quý giảm mạnh nhất kể từ 2008.
Những nguyên nhân khiến giá giảm là:
Thứ nhất: USD tăng giá mạnh, lên mức cao kỷ lục 4 năm vào cuối quý, là quý tăng giá mạnh nhất trong vòng 6 năm. Fed đã đánh tín hiệu có thể nâng chi phí đi vay nhanh hơn dự kiến, cộng với viễn cảnh kinh tế tăng trưởng ổn định làm giảm tính hấp dẫn của hàng hóa.
USD hôm 30/9 tăng lên mức cao nhất 4 năm so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ và cao nhất 2 năm so với euro sau khi lạm phát trong khu vực eurozone giảm trong tháng 9.
Niềm lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đấu thế giới đã khiến chỉ số sức mạnh đồng USD trong quý 3 vừa qua đạt mức tốt nhất trong vòng sáu năm qua và chạm mức cao trong vòng bốn năm vào hôm 30/9.
Ngược lại, đồng euro lại giảm xuống còn 1,2571 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9/2012 sau khi Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu cho thấy lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm hồi tháng 10/2009.
Thứ 2: Kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ, gây lo ngại về nhu cầu của thị trường khổng lồ này. Chỉ số quản lý sức mua (PMI) chính thức tháng 9 của Trung Quốc chỉ ở mức 50,2 điểm, thấp hơn con số sơ bộ 50,5 điểm. Thị trường bất động sản và việc làm tiếp tục yếu kém, với chỉ số việc làm ngành sản xuất đã giảm 11 tháng liên tiếp.
Thứ 3: Nhiều yếu tố khác kết hợp,như vàng chịu thêm áp lực xả hàng khi lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETP giảm xuống mức thấp nhất 5 năm qua trong bối cảnh nhu cầu đầu tư giảm, dầu thì chịu áp lực bởi nguồn cung tăng khi sản lượng dầu thô của Mỹ cao nhất từ 1986, nickel bị ảnh hưởng bởi dự trữ toàn cầu cao nhất trong lịch sử, đậu tương chịu sức ép từ việc Mỹ được mùa… và kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ ngũ cốc, năng lượng và kim loại lớn nhất thế giới, đang có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 2 thập kỷ.
Kim loại quý
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 cũng do USD tăng và viễn cảnh nâng lãi suất làm giảm nhu cầu vàng như tài sản trú ẩn an toàn.
Tính chung trong tháng 9 giá vàng đã giảm 6% , còn trong quý III giảm 9%, đánh dấu quý giảm giá đầu tiên trong năm 2014.
USD mạnh hơn sẽ khiến kim loại quý định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn. Nhà đầu tư có xu hướng rút tiền khỏi tài sản phi lợi nhuận để tìm kiếm lợi suất cao hơn khi USD tăng giá.
Giá bạc giảm tháng thứ 3 liên tiếp, trong khi bạch kim có tháng giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2012, giảm hơn 8%. Palladium giảm mạnh nhất trong số các kim loại quý, giảm 12,4% trong tháng này, tháng giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2011.
Đà giảm mạnh của vàng trong quý III xuất phát từ các nguyên nhân: Đồng USD liên tục tăng giá và thị trường chứng khoán Mỹ neo ở ngưỡng cao, căng thẳng địa chính trị leo thang, lực cầu yếu. USD phiên 30/9 đã tăng lên mức cao nhất 4 năm so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ và cao nhất 2 năm so với euro sau khi lạm phát trong khu vực eurozone giảm trong tháng 9. Đồng bạc xanh đã có 11 tuần tăng liên tiếp và đang hướng đến đợt tăng hàng quý lớn nhất trong 6 năm trước đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Mức cao của đồng USD khiến giới đầu tư phải trả một giá cao hơn cho việc nắm giữ vàng bởi đồng nội tệ (không phải USD). Hơn thế nữa, sức mạnh của đồng USD đã hấp dẫn giới đầu tư tiền tệ càng khiến vàng trở nên mất giá. Mặc dù phiên 30/9 thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ nhưng trong cả quý III năm nay: chỉ số S&P 500 tăng 0,6% và Dow Jones tăng 1,3%. Trong khi tình hình căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và Đông Âu đang dần lắng diu, việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng là yếu tố thu hút giới đầu tư tìm đến các tài sản có lợi nhuận cao hơn so với vàng.
Trên thị trường Việt Nam, giá vàng SJC trong quý III giảm 1,23 triệu đồng/lượng, tương đương giảm 3,3%. Trong đó, riêng trong tháng 9, giá vàng đã rớt giá 660 nghìn đồng/lượng. Nửa cuối của tháng 9, giá vàng vẫn chưa thể bứt phá khỏi mốc 36 triệu đồng/lượng. Phiên kết thúc quý, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại Nội niêm yết giá vàng giao dịch ở 35,58 - 35,72 triệu đồng/lượng, tại TP.HCM ở mức 35,58 - 35,70 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI báo giá vàng mua vào ở mức 35,65 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 35,68 triệu đồng/lượng, Bảo tín Minh Châu niêm yết vàng SJC ở mức 35,72 – 35,76 triệu đồng/lượng, vàng miếng và nhẫn tròn trơn vàng Rồng Thăng Long giao dịch ở mức 31,66 – 32,11 triệu đồng/lượng.
Theo Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trường Bảo Tín Minh Châu, giá vàng trong nước vẫn ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, vì vậy đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư và người dân mua vào tích trữ đợi giá lên bán kiếm lời.
Năng lượng
Những ngày cuối tháng 9 giá dầu liên tục giảm. Phiên cuối cùng của quý III, dầu WTI tại New York giảm mạnh nhất kể từ 7/11/2012, xuống chỉ 91,16 USD/thùng, thấp nhất kể từ 1/5/2013. Tính chung trong quý III, dầu WTI mất giá tới 13%, quý sụt giảm mạnh nhất kể từ quý 2/2012.
Dầu Brent phiên cuối tháng cũng giảm mạnh xuống chỉ 94,67 USD/thùng, mất tới 20% so với mức cao nhất 118,89 USD/thùng đạt được hôm 8/2/20113. Tính chung trong quý III, dầu Brent mất giá tới 16%, cũng là quý sụt giảm mạnh nhất kể từ quý 2/2012. Riêng trong tháng 9, giá dầu Brent trượt 8.3%, đánh dấu tháng giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2012.
Các sản phẩm dầu cũng giảm giá, với xăng RBOB xuống 2,5869 USD/gallon. Sản phẩm này đánh mất 7% trong tháng 9 và 16% trong quý 3, ghi nhận quý lao dốc mạnh nhất kể từ quý 4/2012. Dầu diesel xuống 2.6472 USD/gallon, thấp nhất kể từ 28/6/2012. Dầu sưởi giảm sâu 7.3%/tháng và 11%/quý, đánh dấu quý giảm giá mạnh nhất kể từ quý 2/2012.Khí gas giảmcòn 4.1210 USD/MMBtu. Trong tháng 9, giá khí tăng 1.4%. Tuy nhiên, tính chung cả quý 3, giá khí sụt 7.6%, đánh dấu quý sụt giảm mạnh nhất kể từ quý 2/2013.
Đà giảm dài hơi của thị trường năng lượng xuất phát từ việc nguồn cung dồi dào trong khi lực cầu yếu bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thực sự vững chắc. Theo khảo sát của Reuters, nguồn cung dầu từ OPEC lên mức cao nhất 2 năm qua trong tháng 9 nhờ sản lượng cao hơn từ Arab Saudi và Libya. Với nguồn cung gần 31 triệu thùng, sản lượng đã vượt dự báo nhu cầu của OPEC ở 29,2 triệu thùng. Sản lượng dầu của khối OPEC đang là tâm điểm chú ý trên thị trường khi sản lượng từ Mỹ, Libya, Iraq và các nước khác tăng mạnh. OPEC đã được kêu gọi giảm sản lượng nhưng dường như chưa có dấu hiệu việc này sẽ diễn ra. Kết quả là giá dầu liên tục giảm từ giữa tháng 6 khi cung vượt cầu.
Ngoài ra, giá trị của "đồng bạc xanh" tăng mạnh đã khiến dầu mỏ, mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những khách hàng sử dụng các tiền tệ có giá trị thấp hơn.
Chỉ số sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai, đồng thời là nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới là Trung Quốc cũng tác động không nhỏ tới viễn cảnh nhu cầu dầu của châu Á ở thời điểm thị trường này.
Việc bảo dưỡng nhà máy lọc dầu theo mùa ở Gulf Coast, Hoa Kỳ sẽ lên tới đỉnh điểm vào tháng tới, phù hợp với mức bình thường theo mùa này, nhưng việc thiếu hụt dầu thô sẽ giảm nhanh chóng trong tháng 11.
Kim loại cơ bản
Giá đồng trên sàn London giảm xuống mức thấp nhất 21 tuần vào phiên cuối quý III do các số liệu kinh tế Trung Quốc. Đồng kỳ hạn 3 tháng xuống 6.667 USD/tấn, giảm 4,5% trong tháng 9, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3. Các kim loại khác cũng giảm giá.
Giá nickel giảm 11% trong tháng 9, do dự trữ đạt mức cao kỷ lục, dấu hiệu nguồn cung toàn cầu dồi dào, ngay cả khi Indonesia cấm xuất khẩu kim loại khai thác. Dự trữ tăng 16% kể từ ngày 30/6 và hướng tới quý tăng thứ 11 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 1979. Philippine thay thế Indonesia trở thành nhà cung cấp quặng nickel lớn nhất cho Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu – và nhập khẩu tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 8.
Nông sản
Cà phê và cacao nằm trong số ít những mặt hàng tăng giá. Cà phê arabica kỳ hạn 1 tháng tăng 11,8% trong quý III do lo ngại sản lượng sụt giảm ở Brazil. Cacao có quý thứ 6 liên tiếp tăng giá do nhu cầu mạnh, tăng 5% trong quý III bởi các nhà đầu tư lo ngại dịch Ebola có thể lan sang nước sản xuất cacao lớn nhất là Bờ Biển Ngà.
Tuy nhiên, ngũ cốc đồng loạt giảm giá. Giá đậu tương năm nay đã giảm 9% và giá ngô giảm 23% trước đồn đoán sản lượng tại Mỹ sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tồn kho đậu tương từ vụ thu hoạch trước ước đạt 131 triệu bushel. Tồn kho ngô đạt 1,191 tỷ bushel từ 821 triệu bushel năm trước đó.
Giá ngô kỳ hạn tại Chicago phiên cuối quý III giảm xuống thấp nhất 5 năm sau khi chính phủ cho biết dự trữ ngô Mỹ trước vụ thu hoạch cao hơn dự báo của các nhà phân tích.
Tồn kho ngô của Mỹ tính đến 1/9 đạt 1,236 tỷ bushel, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết hôm 1/10. Con số này cao hơn so với 1,181 tỷ bushel ước tính của USDA hôm 11/9, trong khi ước tính của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Bloomberg là 1,191 tỷ bushel.
2 năm sau đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ tại Mỹ đã đẩy giá ngô lên kỷ lục, giá ngô kỳ hạn đang liên tục giảm khi những cơn mưa và thời tiết dịu mát 3 tháng qua đã nâng viễn cảnh năng suất ngô Mỹ. Nông dân Mỹ, nước sản xuất ngô lớn nhất thế giới, dự báo sẽ thu hoạch mùa vụ kỷ lục trong năm nay.
Giá ngô giao tháng 12 trên sàn CBOT Chicago giảm 1,5% xuống 3,2075 USD/bushel.
Trong tháng 9, giá ngô giảm 12%, tháng giảm thứ 9 liên tiếp và đợt giảm dài nhất kể từ tháng 7/2013. Năm 2014 giá ngô đã giảm 24% sau khi giảm 40% trong năm 2013.
USDA ước tính nông dân Mỹ sẽ thu hoạch 14,395 tỷ bushel ngô trong năm nay, tăng 3,4% so với 2013.
Giá đậu tương kết thúc quý III ở mức 9,1875 USD/bushel và đạt 9,1975 USD/bushel. Quý III/2014, giá kỳ hạn đã giảm 21%. Dự trữ đậu nành của Mỹ hôm 1/9 có thể ở mức thấp nhất trong thập kỷ trước vụ thu hoạch kỷ lục, theo khảo sát của Bloomberg News.
Nông dân Mỹ sẽ thu hoạch 3,913 tỷ bushel đậu tương và 14,395 tỷ bushel ngô, theo số liệu của USDA.
Giá lúa mỳ kết thúc quý III ở 4,8075 USD/bushel. Tháng 9 giá đã giảm 15%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2011 và đang hướng đến đợt giảm hàng quý thứ 2.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]