Ảnh minh họa. (Nguồn: Quang Quyết/TTXVN)
Rau xanh tăng giá, thịt giảm giá
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, do các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn đang tích cực đầu tư vốn, nhanh chóng tái đàn, mở rộng quy mô nuôi; dịch bệnh cơ bản được khống chế nên nguồn cung cho thị trường bán lẻ đã tăng đáng kể.
Sự dồi dào về nguồn cung các loại thịt gia súc gia cầm trong vài tháng tới có thể kiềm chế được giá thịt không tăng quá cao và quá nhanh trong những tháng cuối năm, nhất là vào dịp Tết. Hiện giá bán thịt lợn ba chỉ ở mức 90.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, nạc vai 110.000 /kg, thịt bò từ 120 đồng đến 180 đồng/kg tùy loại, thịt gà ta khoảng 100 đồng/kg; cá chép từ 55.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, cá trôi từ 40.000 đồng đến 45.000 đồng/kg, cá rô phi từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg… Thậm chí, một số loại thực phẩm giảm như sườn thăn giảm từ 120.000 đồng/kg xuống 100.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá rau xanh ở các chợ của Hà Nội lại tăng cao do thời tiết rét buốt về đêm làm rau táp, lên chậm, thậm chí bị dập nát, nguồn cung rau giảm dẫn đến rau tăng giá.
Tại các chợ đầu mối như Long Biên, chợ Xanh hay chợ truyền thống, các siêu thị lớn, hiện giá các loại rau đều tăng mạnh, trung bình tăng gấp 1,5 hoặc gấp 2 lần so với tuần trước.
Cụ thể, rau cải, cải cúc, mùng tơi tuần trước có giá 3.000 đồng đến 4.000 đồng nay tăng lên 5.000 đồng đến 6.000 đồng/mớ; giá su hào trước 4.000 đồng đến 5.000 đồng nay tăng 6.000 đến 8.000 đồng/củ; cải thảo, bắp cải bán ra với giá 14.000 đồng đến 16.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg so với tuần trước; rau ngót 4.000 đồng đến 5.000 đồng/bó, cà chua 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, rau muống từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng/mớ, cà rốt, khoai tây các loại cũng đều tăng từ 1,5 đến 2 lần so với trước.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Đăng, cho biết: Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong những ngày gần Tết khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, Sở phối hợp với các cơ quan liên ngành tăng cường giám sát các hoạt động kinh doanh gia súc gia cầm trên địa bàn. Đặc biệt, Sở tăng cường kiểm tra các hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch, xử lý kịp thời các vi phạm trong vận chuyển gia súc, gia cầm. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất giống thủy sản và kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hóa chất dùng trong thú y thủy sản.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cửa ngõ vào thành phố, 9 chốt kiểm dịch vẫn được duy trì thường xuyên tại Ba La, Phú Xuyên, Ngọc Hồi, Thường Tín, Dốc Lã, Trung Giã, Bắc Thăng Long, Thanh Trì, Minh Hiền và chợ đầu mối giao thông; kiểm dịch hàng trăm nghìn con gia súc gia cầm khi chưa giết mổ và đã giết mổ. Ngoài ra, các phương tiện, dụng cụ vận chuyển gia súc gia cầm cũng đều được phun thuốc tiêu độc khử trùng khi đi qua các chốt kiểm dịch.
Trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội không có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng và các bệnh truyền nhiễm thông thường khác. Để kiểm soát được tình hình dịch bệnh, Chi cục Thú y Hà Nội đã tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Với hơn 24.000 lượt con được tiêm vắcxin 4 bệnh đỏ: dịch tả lợn - vắcxin lở mồm long móng - vắc xin tai xanh - vắcxin tụ huyết trùng trâu, bò.../.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]