Một số cơ sở, doanh nghiệp trong hệ thống kênh tiêu thụ thực phẩm tại Hà Nội đã tỏ rõ thiện chí hợp tác và khẳng định rất cần các nguồn hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn chất lượng.
Sở NNPTNT Hà Nam vừa tổ chức cho hơn 30 cán bộ thuộc một số đơn vị của Sở và lãnh đạo phòng nông nghiệp các huyện; trưởng trạm khuyến nông các huyện, một số công ty, doanh nghiệp, HTX điển hình trên địa bàn tỉnh đi tham quan khảo sát thị trường tiêu thụ nông sản Hà Nội. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm cơ hội ký kết các đơn hàng để đưa các sản phẩm nông nghiệp nội tỉnh tiêu thụ ngoại tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Vang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam đã giới thiệu khái quát về sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên các lĩnh vực nông sản, thủy sản đang được chú trọng theo hướng công nghệ cao, đảm bảo an toàn chất lượng. Hiện nay Hà Nam đã quy hoạch 17 vùng chuyển đổi trồng rau an toàn, quả chất lượng cao; thu hút đầu tư của Tập đoàn VinGroup sản xuất rau an toàn với diện tích đã giao 54,46ha; hợp tác với Nhật Bản nghiên cứu và thử nghiệm 1.200m2 sản xuất rau ăn quả theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản; tích tụ ruộng đất bàn giao cho Công ty TNHH An Phú Hưng sản xuất hiệu quả 32,4ha rau củ quả sạch và sản phẩm đã được tiêu thụ trong các siêu thị, bếp ăn của Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Vang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam giới thiệu mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím. Ảnh: Minh Huệ
Ngoài ra, Hà Nam còn có 17 công ty chế biến rau quả cho sản lượng đạt trên 4.000 tấn rau quả/năm; 8 công ty bảo quản chế biến thóc gạo. Các sản phẩm chủ lực của Hà Nam là dưa bao tử, dứa, vải, cà chua đóng hộp, gạo…
Trong khi đó, hiện nay Hà Nội có khoảng 10 triệu người đang cư trú, công tác và học tập, nên đòi hỏi lượng thực phẩm hàng ngày rất lớn. Rau an toàn ở Hà Nội đã và đang hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc do Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn mác. Khả năng sản xuất tại chỗ mới đảm bảo khoảng 69% thịt gia súc gia cầm; 32% thủy sản các loại; 38% gạo tẻ chất lượng; 60% rau củ quả; 18% quả tươi các loại. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhập xuất khẩu nước ngoài.
Một số cơ sở, doanh nghiệp trong hệ thống kênh tiêu thụ thực phẩm tại Hà Nội đã tỏ rõ thiện chí hợp tác và khẳng định rất cần các nguồn hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn chất lượng. Yêu cầu các sản phẩm Hà Nam phải có gắn tem nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc. Mong muốn được ký kết các đơn hàng với các sản phẩm an toàn chất lượng của Hà Nam.
Ngay sau tọa đàm thảo luận, các bên đã ký kết một số bản cam kết và hợp đồng tiêu thụ nông sản an toàn, đồng thời đã đi thăm, làm việc với siêu thị Fivimart, các cơ sở kinh doanh nông sản, thủy sản tại TP.Hà Nội. Thông qua buổi tọa đàm và trực tiếp đi thăm các cơ sở kinh doanh nông sản, thủy sản Hà Nội, các bên đã tiếp cận với thị trường, nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng đang cần gì, thị trường đang bán gì.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]