DN lo sắp vào “ngõ cụt”
Hiện nay việc đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định VCUFTA đã trải qua 6 phiên và có thể sẽ được ký kết vào đầu năm 2015. Theo nội dung bản chào khi đàm phán Hiệp định VCUFTA, dự kiến Việt Nam sẽ cắt giảm hơn 167 mã hàng hóa của ngành thép về 0% kể từ đầu năm 2015. Nhiều ý kiến lo ngại, việc cắt giảm đột ngột này sẽ đẩy các DN thép trong nước vào “ngõ cụt”.
Ông Đặng Thúc Kháng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng, nếu VCUFTA được ký kết, thuế NK thép từ ba nước trên về 0% ngay đầu năm 2015 thì các DN thép sẽ không chịu được. Các DN thép của Nga có nhiều lợi thế nên sức cạnh tranh rất lớn. Do đó, việc áp dụng mức thuế suất như vậy phải có lộ trình, có như vậy các DN thép nội mới tồn tại được.
Theo ông Huỳnh Trung Quang, Tổng giám đốc Công ty Thép Tây Đô, trước đây có thời kỳ thép Nga gần như độc chiếm thị trường Việt Nam. Sau đó Việt Nam đã có sản xuất trong nước, nhưng các DN thép trong nước chủ yếu là DN nhỏ, công nghệ, thiết bị không cạnh tranh được.
“Thời gian qua Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại trong nội khối ASEAN, trong đó có lộ trình để tiến đến mức thuế suất bằng 0. Riêng với hiệp định này, vì thép của Nga đã từng có chỗ đứng trong quá khứ, do vậy nếu mở cửa ngay từ đầu 2015 thì hàng loạt DN, đặc biệt là DN sản xuất thép xây dựng sẽ “chết” do không cạnh tranh nổi với thép của Nga”, ông Quang nhấn mạnh.
Làm rõ hơn tác động của việc giảm thuế NK thép Nga về 0% vào ngay đầu năm 2015, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng giám đốc kinh doanh, Công ty Thép Bluecope cho rằng, thép xây dựng sẽ là ngành bị ảnh hưởng lớn nhất.
“Lý do là vì Nga là quốc gia có thế mạnh về thép xây dựng, trong khi đó hiện nay nhu cầu thép xây dựng trong nước đang thấp hơn nhiều so với cung. Sau thép xây dựng sẽ là ngành tôn thép mạ. Mặc dù ngành tôn thép mạ trong nước chưa phải là thế mạnh, nhưng hiện tại sản phẩm tôn thép mạ trong nước cũng đang cao gấp 3 lần cầu. DN sản xuất thép xây dựng, tôn thép mạ hiện đang rất khó khăn. Do vậy nếu hàng rào thuế quan xuống đột ngột như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến DN”, ông Phong phân tích.
Cần bảo hộ trong thời gian đầu
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định thương mại song phương, do vậy việc DN chịu sự cạnh tranh là điều đương nhiên. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Thép Tây Đô, tăng sức cạnh tranh là cần thiết nhưng phải có lộ trình, để DN có điều kiện dần cải thiện tình hình, trưởng thành và hội nhập một cách bình đẳng.
“DN trong nước công nghệ chưa hiện đại, dẫn đến giá thành sản xuất cao, cho nên cần lộ trình giảm thuế phù hợp. Nếu hàng rào thuế NK thép như hiện nay được bỏ ngay vào đầu 2015, trong khi chi phí sản xuất của ngành thép trong nước còn cao thì DN nội sẽ không đủ sức chiến đấu”, ông Quang đề xuất.
Vừa qua, liên quan đến Hiệp định VCUFTA, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, theo đó đề xuất bảo hộ 41 mặt hàng thép trong nước với lộ trình giảm thuế 10 năm.
Mới đây, thông tin thêm về Hiệp định VCUFTA, Bộ Công Thương cho biết trong quá trình đàm phán Hiệp định này, phía Liên minh Hải quan đặt ưu tiên hàng đầu việc XK sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp như sắt thép, săm lốp, máy móc thiết bị... Việc đàm phán mở cửa thị trường sẽ trên cơ sở cân bằng lợi ích tổng thể giữa hai bên, trong đó Việt Nam đặc biệt quan tâm đến XK các mặt hàng dệt may, thủy sản, da giày và một số loại nông sản khác mà ta có ưu thế.
Trong số nhiều mặt hàng sắt thép phía Liên minh yêu cầu ưu tiên cắt giảm thuế quan thì chỉ có một số loại thuộc danh mục do Hiệp hội Thép đề nghị bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế. Như vậy về tổng thể, phía Liên minh có thể cung cấp cho ta nhiều mặt hàng sắt thép mà Việt Nam không sản xuất, phía Liên minh sẽ phải tự cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường.
Bên cạnh đó, khoảng cách chuyên chở từ các nhà máy Nga về đến Việt Nam quá xa, nên sẽ rất khó cạnh tranh được với các mặt hàng sắt thép tương tự đang lưu hành trên thị trường Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, không có căn cứ để lo ngại ngành Thép phá sản khi có VCUFTA được ký kết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam lại cho rằng, hơn 40 loại mặt hàng mà Hiệp hội đề xuất có lộ trình bảo hộ đại diện cho 4 nhóm mặt hàng chính mà hiện nay các DN đang sản xuất là thép xây dựng, thép tấm cuộn cán nguội, thép ống hàn và thép tôn mạ kẽm, mạ màu, có thể ít so với 167 mặt hàng trong danh mục của bản chào, nhưng về khối lượng lại chiếm gần như toàn bộ sản lượng thép trong nước với khoảng trên 10 triệu tấn/năm. Đây là những sản phẩm chủ lực của ngành thép trong nước.
Cũng theo ông Sưa, ngành Thép được đánh giá có sự phát triển tương đối nhanh trong những năm gần đây, nhưng vẫn là một ngành non trẻ, chưa thực sự bền vững và mạnh mẽ. Các DN hầu hết quy mô nhỏ, chỉ có vài ba DN có sản lượng khoảng 1 triệu tấn năm, năng lực sản xuất so với các nước vẫn còn hạn chế.
“Vì vậy trong khuôn khổ của việc ký kết các Hiệp định, Nhà nước nên có những chính sách bảo hộ trong thời gian đầu để các DN vươn lên, cải tiến công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, vững vàng hơn. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kiến nghị về điều này”, ông Nguyễn Văn Sưa cho biết.
Cơ quan Nhà nước cần xem xét cẩn trọng ý kiến của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong đàm phán có sự cân nhắc để làm sao ảnh hưởng đến DN là ít nhất. Ngoài ra, ngành thép mạ nhôm kẽm không phải là ưu tiên của đối tác, do đó theo tôi không nên đề cập tới trong bản chào, để sau này nếu muốn điều chỉnh thuế NK thì chúng ta tự do làm điều đó, vì nó không có trong cam kết.
Ông Nguyễn Văn Phong,
Phó tổng giám đốc kinh doanh,
Công ty Bluecope
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]