Không thể "nuông chiều" DN
Quy định trên xuất phát từ thực tế: Năm 2008 và 2014, Nga đã cấm nhập khẩu cá tra Việt Nam vì sản phẩm fillet cá tra không đáp ứng yêu cầu ATTP (nhiều sản phẩm fillet cá tra có tỷ lệ băng quá lớn, thậm chí có lúc lên đến 30%, tức là trong 1kg sản phẩm, có đến 30% là nước, tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật phát triển).
Từ tháng 8/2014, phía Nga đã cho phép DN Việt Nam xuất khẩu cá tra trở lại. Tuy nhiên, trong một thông báo mới đây của cơ quan chức năng Nga gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), sản phẩm fillet cá tra của 1 DN Việt Nam bị phát hiện có vi sinh vật kỵ khí lớn trong băng ướp cá cao hơn quy định, và bạn đề nghị Nafiqad kiểm tra chặt những sản phẩm của DN này trước khi xuất sang Nga. Nếu tiếp tục tái diễn, Nga sẽ có lệnh cấm nhập khẩu đối với DN này.
Mặc dù vậy, trước những “tâm thư” sẽ đóng cửa nhiều nhà máy nếu Bộ NN&PTNT vẫn áp dụng tỷ lệ mạ băng trong các sản phẩm fillet cá tra đúng quy định từ 1/1/2015, Bộ NN&PTNT "cực chẳng đã" phải lùi thời gian áp dụng quy định trên thêm 1 năm nữa.
Điều này cho thấy lẽ ra DN phải ủng hộ Nghị định 36 với những điều kiện tuy ngặt nghèo nhưng sẽ giúp DN phát triển bền vững hơn bằng việc đầu tư vào sản xuất sản phẩm theo hướng giá trị gia tăng, thay vì chỉ có độc nhất sản phẩm fillet cá tra như hiện nay.
Phải xem người tiêu dùng muốn gì
Thời gian qua, nhiều DN đã nhận ra việc cả trăm DN cùng chào báo một sản phẩm fillet cá tra không sớm thì muộn sẽ xuất hiện trường hợp cạnh tranh hạ giá bán để chiếm thị phần. Vì thế, nhiều DN đã bắt đầu đi theo hướng chế biến giá trị gia tăng.
Trong mấy chục công ty xuất khẩu cá tra, số công ty có sản phẩm giá trị gia tăng không nhiều, đa phần là những công ty lớn trong ngành. Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) với những sản phẩm giá trị gia tăng như cá tra nhồi khổ qua, chạo cá tra, cá tra nhồi nấm đông cô, cá tra cuốn lá với những trọng lượng khác nhau cho khách hàng lựa chọn.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), một trong những công ty lớn nhất Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu cá tra, dù đã có mô hình nuôi trồng, chế biến khép kín nên giá thành sản phẩm thấp hơn những công ty mua cá từ nông dân về chế biến, song Vĩnh Hoàn vẫn đầu tư vào những sản phẩm giá trị gia tăng như burger cá đông lạnh không tẩm bột, burger cá tẩm bột chiên sơ, burger cá tẩm bột chiên sơ vị chanh ớt, cá tra tẩm bột “Crispy n Happy”, cá gói đút lò “Fish’s In Wrap”, A-ti-sô cuộn lá…
Đặc điểm chung của những sản phẩm này là có nhiều mùi vị khác nhau và chỉ cần bỏ vào lò vi sóng khoảng 5 phút là có thể ăn được. Đây được xem là sản phẩm đáp ứng xu hướng tiêu dùng nhanh của người tiêu dùng ở châu Âu, Mỹ.
Khi Vĩnh Hoàn đưa ra thị trường những sản phẩm mới, bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn cho biết, việc đưa ra những sản phẩm giá trị gia tăng là giúp Công ty từng bước xâm nhập phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiệu của người tiêu dùng thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm fillet cá tra như nhiều công ty. Chính nhờ có chiến lược đúng nên dễ hiểu vì sao Vĩnh Hoàn luôn là công ty dẫn đầu trong ngành sản xuất và xuất khẩu cá tra.
Còn với những công ty có kim ngạch xuất khẩu tầm trung như Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang), sau một thời gian chủ yếu xuất khẩu fillet cá tra nay cũng bắt đầu chuyển sang làm những sản phẩm giá trị gia tăng như cá chiên không dầu, tẩm bột, cá ướp sốt...
Như vậy có thể nói với những chuyển biến của thị trường, không còn cách nào khác, các DN phải từ bỏ cách làm ăn cũ để tập trung đầu tư theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, cạnh tranh dựa trên năng suất và chất lượng. Chỉ có như vậy mới giúp cho ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam phát triển bền vững.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]