Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy sáu tháng đầu năm sức mua thị trường vẫn chậm nên việc tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng, nguyên liệu phục vụ sản xuất chưa cao. Sức mua của người tiêu dùng chưa hồi phục đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ khi sáu tháng đầu năm chỉ tăng 10,73% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,69%.
Khi sức mua vẫn còn ì ạch, việc siết tải trọng khiến giá cước vận chuyển tăng gấp đôi, cùng với việc giá xăng tăng (trong vòng nửa tháng với tổng mức tăng 750 đồng/lít) tạo thành “cú đúp” khiến doanh nghiệp (DN) choáng váng.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết đến giờ phút này chi phí đầu vào cụ thể như giá xăng tăng đến năm lần (kể từ đầu năm). Thêm vào đó, việc trả lại đúng tỉ trọng trong vận chuyển đã làm chi phí vận chuyển tăng gấp đôi.
Trả lời câu hỏi thời gian tới DN sẽ tăng giá, ông Mười cho biết: “Không nói trước được điều gì nhưng hiện chúng tôi vẫn đang giữ giá”.
Cùng quan điểm, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Food, phân tích trước khi giá xăng (????) thì cước vận chuyển tăng làm DN ảnh hưởng nặng nề. Hiện nay một số siêu thị lớn tại thành phố đã tăng giá cước vận chuyển lên 20%.
Dù vậy, phía siêu thị cũng cho DN chọn giữa việc tự vận chuyển hoặc giao siêu thị. Nếu DN tự vận chuyển thì chi phí càng cao hơn. Vì vậy khi hàng hóa bán ở các tỉnh thì sản phẩm của DN không cạnh tranh bằng sản phẩm tương tự ở các địa phương. DN đang đàm phán với các siêu thị là đặt đơn hàng tập trung để tiết giảm được chi phí.
Bà Lâm cho biết thêm DN chưa điều chỉnh tăng giá. Việc giá cước vận chuyển tăng 20% sẽ làm giá thành 1 kg thành phẩm tăng lên 7.000 đồng. Tuy nhiên, đây là thời điểm sức mua thấp nhất trong năm nên DN không dám tăng giá, thậm chí còn khuyến mãi.
Ông Đỗ Phan Thanh Bảo, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Dona Newtower, cho biết giá cước vận chuyển tăng 20%, công ty đã tăng giá một số sản phẩm chỉ ở mức 7% hồi đầu tháng 7. Đây là yếu tố mạnh nhất tác động đến giá đầu vào của DN. Vì vậy thời điểm này, DN không dám tăng giá dù giá xăng vừa qua tăng.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống ở các ngành hàng cho thấy giá cả vẫn ổn định. Chị L., tiểu thương bao bì chợ Tân Phú (TP.HCM), cho biết khi giá xăng tăng chắc chắn có ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm.
Ví dụ khi xăng chưa tăng giá, một bao hàng 25 kg có giá 1 triệu đồng. Nay tính thêm chi phí xăng vô giá cước, bao hàng có giá 1.010.000 đồng. Tuy vậy khi bán ra mỗi 1 kg bao bì vẫn giữ mức giá cũ, người bán giảm lời hơn so với trước đây chứ không bán giá cao được.
Tương tự, các tiểu thương thực phẩm tươi sống, rau, củ quả cho rằng giá xăng ít ảnh hưởng đến giá đầu ra của họ. Chẳng hạn một chuyến hàng 200 kg giá cước 50.000 đồng, giờ đây nhà vận chuyển nói cho thêm 5.000-10.000 đồng nữa vì giá xăng lên. Nhưng mình không tính vô giá thành được vì không bao nhiêu.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]