Giá nhiều loại mặt hàng cũng theo đó “té nước theo mưa” tăng giá bán, nổi bật nhất là mặt hàng thực phẩm.
Thực phẩm tăng giá
Tại chợ Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, giá cua đồng đã tăng lên 140.000 - 160.000 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ có giá 130.000 đồng/kg. Không chỉ tăng giá, người đi chợ muộn còn khó mua được cua vì hàng hết từ sớm. Giá cá sông, cá đồng, ngao, sò, ốc, hến - những món ăn thường được chọn trong ngày nắng nóng tại chợ này cũng nhích hơn so với tuần trước, như cá chép 77.000 đồng/kg, ngao trắng 29.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg)...
Các sản phẩm hoa quả giá cũng cao hơn, hiện cam sành giá 50.000 - 70.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so trước.
Giá rau xanh có xu hướng giảm do nắng lên từ một số ngày trước đó. Khảo sát của PV tại một số chợ ở Hà Nội, hiện nay giá rau xanh vẫn ổn định.
Cụ thể, rau muống loại to giá 10.000 đồng/mớ, loại nhỏ giá 5.000 đồng/mớ; rau mồng tơi, rau ngót, rau đay có giá từ 5.000 đến 6.000 đồng/mớ, tăng thêm từ 500- 1000 đồng/mớ; bí đao giá 12.000 đồng/kg tăng 1000 đồng/kg; rau cải xanh được bán 18.000 đồng/kg, cải ngọt 15.000 đồng/kg, mướp 30.000 đồng/kg… Ngọn rau bí 10.000 đồng/mớ, ngọn rau su su 20.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg…
Giá thịt lợn cũng tăng thêm từ 15.000-20.000 đồng/kg, thịt nạc thăn 120.000 đồng/kg; thịt nạc mông, nạc vai có giá 110.000 đồng/kg. Thịt mông sấn, vai sấn là 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, thịt chân giò là 90.000 đồng/kg.
Giá thịt bò cũng tăng nhẹ, tăng khoảng 5000-10.000/kg, dao động từ 240.000 đồng/kg đến 280.000 đồng/kg, thịt gà ta mổ sẵn vẫn được bán 130.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp mổ sẵn là 80.000 đồng/kg.
Theo tiểu thương tại chợ Ngọc Lâm (Gia Lâm, HN), do giá xăng tăng đẫn đến chi phí vận chuyển tăng nên các mặt hàng phải tăng giá thì người bán mới có lãi.
"Thích nghi" với giá xăng, dầu
Nhìn lại các đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua cho thấy, nếu tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 10 lần với 5 lần tăng và 5 lần giảm. Trong đó, xăng là mặt hàng duy nhất từ đầu năm không giảm giá mà chỉ có tăng với tổng mức tăng 5 lần là 1.430 đồng.
Có thể nói, trong những năm gần đây, việc tăng giá đã trở thành “điệp khúc” trong cuộc sống người dân. Việc tăng giá xăng, dầu không những người dân phải chịu đựng giá cao, mà còn nơm nớp nỗi lo nhiều mặt hàng khác “té nước theo mưa”, lợi dụng giá xăng tăng để tăng giá.
Trong bối cảnh “bão giá” như hiện nay thì xăng dầu tăng giá đã như đổ thêm dầu vào lửa, thổi bùng giá cả sinh hoạt, mà đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất lại chính là người lao động nghèo. Quả thật, cứ mỗi lần giá xăng tăng là mỗi lần thêm sức ép đè nặng lên đời sống người lao động, ảnh hưởng trực tiếp tới miếng cơm manh áo của họ, nhất là những người có thu nhập thấp.
Điều này được thể hiện rất rõ trong suốt thời gian qua, hễ giá xăng, dầu tăng thì các mặt hàng từ thực phẩm đến dịch vụ… đều đòi tăng theo.
"Cứ giá xăng tăng từ thực phẩm đến nhu yếu phẩm, rồi vận tải,… đều tăng giá theo. Đến khi giá xăng giảm thì không thấy mặt hàng nào giảm theo. Giá cả hàng hóa cứ tăng theo phản ứng dây chuyền như thế này thì chỉ khổ người dân chúng tôi", chị Mai (Thụy Khuê, HN) than thở.
Câu hỏi "Liệu rồi đây giá xăng, có tăng lên nữa không?" đang được nhiều người quan tâm, bởi hầu như giá cả các loại hàng hóa, phương tiện đi lại đều phụ thuộc nhiều vào giá nhiên liệu và ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống mưu sinh của người dân.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]