Đáng lý ngày 4/5 là tới đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thế nhưng cho dù thời điểm điều chỉnh giá trôi qua vẫn không hề có động tĩnh nào từ cơ quan điều hành được đưa ra. Còn phía doanh nghiệp kinh doanh cho biết, sau khi tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng một lít lên 3.000 đồng một lít, mức lỗ của doanh nghiệp trên mỗi lít xăng tăng đột biến.
Cụ thể, nếu trước đây mức lỗ của doanh nghiệp chỉ khoảng 200-300 đồng mỗi lít xăng thì nay khoản lỗ đối với mặt hàng xăng xấp xỉ 2.000 đồng một lít (sau khi trừ đi khoản bù từ Quỹ bình ổn giá 991 đồng một lít).
Tuy thuế nhập khẩu xăng đã giảm về 20%, nhưng việc tăng thuế môi trường đối với mặt hàng này từ 1.000 đồng một lít lên 3.000 đồng một lít từ ngày 1/5 cũng đã ít nhiều tác động tới giá xăng. Bởi theo quy định, các doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu trong 30 ngày, thuế môi trường tăng từ 1/5 thì doanh nghiệp có 15 ngày trong chu kỳ dự trữ phải chịu thuế môi trường cao, trong khi thuế nhập khẩu lại chưa giảm.
Sau 2 đợt kìm giữ giá, giá xăng bán lẻ trong nước sắp tăng "sốc" cùng đà tăng mạnh của giá thế giới?
Cùng với đó, diễn biến giá các mặt hàng xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore (thị trường nhập khẩu chính của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Việt Nam) trong xu thế tăng liên tục kể từ đợt điều chỉnh ngày 13/4 vừa qua.
Cập nhật từ Bộ Công thương cho biết, ngày 30/4, xăng Ron 92 có giá 79,64 USD một thùng, dầu hỏa 76,82 USD một thùng, dầu diesel là 77,45 USD một thùng, dầu hoả là 76,82 USD một thùng, và madut là 378,68 USD một tấn. So với giá của ngày 28/4 – ngày lẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày của Nghị định 83, thì xăng Ron 92 đắt hơn 0,55 USD mỗi thùng; dầu hỏa cao hơn 2,02 USD một thùng; dầu diesel cao hơn 2,3 USD một thùng và dầu madut là 13,74 USD một tấn.
Một yếu tố khác, dù gián tiếp, nhưng cũng sẽ được các cơ quan quản lý đặt lên “bàn cân” trong quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước lần này, đó là hiện giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực có chung đường biên giới với Việt Nam đều đã đang cao hơn, từ 2.100-6.200 đồng một lít.
Đơn cử, giá xăng bán lẻ tại thị trường Campuchia ngày 2/5/2014 là 23.545 đồng một lít; Trung Quốc là 19.472 đồng một lít, Lào là 22.568 đồng một lít… Việc giá bán lẻ xăng trong nước quá thấp rất có thể sẽ dẫn tới tái diễn tình trạng “thẩm lậu” xăng dầu qua biên giới trong thời gian tới.
Rõ ràng, áp lực tăng giá đối với mặt hàng xăng trong đợt điều hành tới đây là hiện hữu. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu, đủ để các doanh nghiệp không bị “lỗ”, hay sẽ trích tiếp Quỹ bình ổn giá để mức tăng không quá “nặng”, phụ thuộc vào sự tính toán của cơ quan điều hành. Có điều, trong bối cảnh Quỹ bình ổn đã được “xả” trong 2 đợt điều chỉnh trước đó, thì hiện số dư còn lại sẽ không còn nhiều để “bù” giá. Vì thế, việc xả tiếp Quỹ bình ổn trong trường hợp này là khó khả thi.
Cũng theo quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện theo 3 mức: khi yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng 3%, thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán lẻ tương ứng. Giá cơ sở tăng trên 3%-7%, thương nhân phải xin phép ý kiến liên bộ. Giá tăng trên 7% phải báo cáo Thủ tướng.
Sự “chần chừ” của cơ quan điều hành trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này, dù đã tới ngày điều chỉnh giá bán, có thể hiểu là một sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh “sốc” tâm lý cho người dân.
Từ đầu năm tới nay, giá xăng bán lẻ trong nước có đợt tăng giá vào ngày 11/3, với mức tăng 1.600 đồng một lít. Hiện, giá xăng bán lẻ đang ở mức 17.280 đồng một lít; giá dầu diesel ở 15.883 đồng một lít; dầu hoả có giá 16.070 đồng một lít, dầu madut mức 12.761 đồng/kg.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]