Anh Thắng bên vườn tiêu cho năng suất cao tại Xuân Lộc, Đồng Nai
Chúng tôi tìm đến vườn tiêu của anh Lê Văn Cương, hội viên Hội Nông dân xã Long Hưng, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Đập vào mắt chúng tôi là những trụ tiêu xanh um, xếp hàng thẳng tắp đang sản xuất theo quy trình VietGap.
Anh Cương cho biết, quê anh ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) vào đây xây dựng kinh tế mới. Hồi mới vào gia đình anh trồng ngô, sắn, cà phê… nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống rất khó khăn.
Từ khi chuyển qua trồng tiêu, thu nhập được cải thiện rõ rệt, đời sống kinh tế dần tăng cao. Hiện anh đang sở hữu vườn tiêu rộng 1 ha, năng suất đạt từ 4 – 5 tấn/ha/năm.
Theo anh Cương, do thời tiết năm nay thất thường, sản lượng hồ tiêu giảm, đồng thời lượng tiêu còn tồn trong các hộ dân không nhiều, trong khi nhu cầu thị trường vẫn cao khiến thương lái đổ xô đi mua làm giá tiêu nóng lên từng ngày.
“Với giá tiêu đầu năm đạt 140 triệu đ/tấn, còn thời điểm khan hiếm hiện tại lên tới 190 triệu đ/tấn, người nông dân có lãi rất cao. Như tôi sau khi trừ chi phí cũng thu lãi khoảng 500 triệu đồng”. Anh Cương cũng cho biết, nhằm nâng cao chất lượng và năng suất, vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Bù Gia Mập đã chọn vườn tiêu của anh làm mô hình điểm. Các kỹ sư chuyên ngành trực tiếp về đây hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, thu hái cho bà con trong vùng.
Tương tự, anh Vũ Quang Bách, hộ trồng tiêu lớn tại ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết: Gia đình anh trồng được 3 ha tiêu, trong đó có 1,5 ha đang thời kỳ kinh doanh. Nhờ thường xuyên đi học các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu, đặc biệt là áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp năng suất nhiều năm qua đạt từ 3 - 5 tấn/ha/năm.
“Đặc biệt, khoảng 3 năm nay giá tiêu rất ổn định và có xu hướng tăng dần. Nếu như đầu năm nay giá ở mức 140 triệu đ/tấn thì mấy ngày đầu tháng 7 này giá đã lên tới trên 190 triệu đ/tấn rồi. Gia đình tôi trồng tiêu năm 1997 tới bây giờ mới thấy tiêu có giá cao ngất ngưởng như vậy!” – anh Bách hồ hởi nói.
Anh Trần Hữu Thắng, người Việt Nam được công nhận “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới” (năng suất đạt 11 tấn/ha/năm) là chủ nhiệm Liên hiệp CLB tiêu năng suất cao Phước Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết: Nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm tiêu của người dân, năm 2010, UBND huyện Xuân Lộc ra quyết định thành lập Liên hiệp CLB tiêu năng suất cao Phước Lộc.
Đến với CLB, các hội viên thường xuyên được tập huấn, trao đổi học hỏi áp dụng KHKT, nắm bắt thông tin, giá cả… Đặc biệt, Liên hiệp CLB giúp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, xúc tiến XK tiêu cho các nước trên thế giới.
Anh Thắng cho hay, giá tiêu cao như vậy nguyên nhân chính là hạt tiêu Việt Nam đã XK được nhiều vào hầu hết các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore, Ấn Độ… hay những thị trường có mức tăng trưởng NK cao gần đây như Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Cô-oét, Indonesia. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu năm nay cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về sâu bệnh hại cây và các chi phí sản xuất gia tăng.
Thị trường XK ngày càng yêu cầu cao về VSATTP như sản phẩm sạch, canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng. Vì vậy, ngay từ bây giờ người trồng và chế biến hồ tiêu cần triển khai các giải pháp phù hợp, sản xuất theo quy trình GAP, nông dân nên chuyển sang hướng trồng tiêu hữu cơ, hạn chế dùng phân, thuốc hóa học.
Theo dự báo của ngành hồ tiêu, năm 2014 sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 125.000 - 130.000 tấn. Tổng lượng XK khoảng 150.000 tấn (gồm cả tiêu dự trữ), kim ngạch sẽ cán mốc 1 tỉ USD. Nếu đúng như dự báo này thì đây sẽ là năm kỷ lục của ngành hồ tiêu với kim ngạch XK cao nhất từ trước đến nay.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]