Các địa phương đều khẳng định, Tập đoàn cao su VN phải chịu trách nhiệm về quy hoạch, đảm bảo đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, không để người dân thiệt.
'Năm nay mất mùa hơi dài'
Ông Vương Quốc Thới- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết hiện nay giá cao su SVR 3L hiện đang ở mức giá rất thấp. Giá cao su thu mua của dân hiện nay chỉ còn 23 triệu đồng/tấn (thời điểm sốt giá có thể lên tới 80-90 triệu/tấn năm 2012).
Ông Thới cho biết, nguyên nhân là do phụ thuộc vào thị trường TQ, do nhu cầu tiêu thụ cao su của TQ hiện đã bị bão hòa do đó giá cao su đã bị tụt giảm nghiêm trọng. Theo dự báo, giá cao su còn tiếp tục giảm trong một vài năm tới.
Giá cao su đang rớt thảm!
Theo ông Thới, diện tích trồng cao su theo định hướng của Tây Ninh từ nay đến năm 2020 là khoảng 80 ngàn ha, tuy nhiên hiện nay đã vượt tới hơn 90 ngàn ha. Trong đó, chủ yếu là diện tích cao su thuộc Tập đoàn cao su VN, với 70% đang cho mủ.
Những diện tích vượt quy hoạch, Tây Ninh đang vận động người dân chặt bỏ và hỗ trợ vốn để người dân chuyển đổi cây trồng khác. Diện tích đang cho thu hoạch thì ngừng khai thác chờ giá lên, địa phương không bỏ rơi người dân. Còn diện tích thuộc Tập đoàn cao su, ông Thới cho hay Tập đoàn này phải chịu trách nhiệm từ quy hoạch, định hướng, phát triển và bao tiêu đầu ra.
"Không phải lo lắng nhiều vì nhiều năm nay họ lãi nhiều rồi giờ tụt giá cũng không sao", ông Thới lạc quan cho biết.
Đứng về phương diện quản lý, nhìn nhận trách nhiệm của mình, ông Thới băn khoăn "địa phương cũng vận động mọi cách nhưng vì lãi quá cao, một năm có thể thu hơn 100 triệu/ha, nên không cản được. Người dân cho rằng nếu trồng không được thì bán cây, địa phương cũng chịu!".
Và thực tế, trong thời gian gần đây do giá cao su giảm mạnh, người nông dân đã phải trả giá đắt. Tình trạng chặt phá cao su hiện nay cũng đang diễn ra, từ đầu năm đã có khoảng vài ngàn ha cao su non từ 1-5 tuổi bị đốn hạ.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, ông Thới cho rằng "quy luật của thị trường là một năm mất mùa thì 2-3 năm được mùa nhưng năm nay cao su mất mùa dài quá. 1 năm mất rồi mà vẫn thấy mất nữa". Giám đốc sở NN&PTNT Tây Ninh nhận định, đó là chúng ta đã không có một chiến lược bài bản, không có được một đánh giá thị trường, nghiên cứu khoa học đáng tin cậy mà năm nào biết năm đấy.
"Tôi cũng chỉ biết giờ cung nhiều hơn cầu thì giá giảm chứ cũng không biết vì sao có đánh giá mấy năm trước cầu nhiều hơn cung", ông Thới thật thà chia sẻ.
Tự trồng tự phá, địa phương kêu thất thu ngân sách
Việc giá cao su xuống thấp không những làm giảm thu nhập của người dân và doanh nghiệp, ảnh hướng tới tình hình kinh tế, xã hội mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu ngân sách của địa phương. Dù cho biết việc đóng góp cũng không nhiều nhưng theo ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai- chuyện thất thu ngân sách là hiển nhiên.
Than phiền chuyện thất thu ngân sách nhưng vị lãnh đạo sở khẳng định giá cả cao su là do Tập đoàn cao su phải chịu trách nhiệm tính toán làm sao để đảm bảo đầu vào và đầu ra cho người dân, không để người dân chịu lỗ. Thế nhưng, khi cao su trồng vượt quy hoạch dẫn tới người dân trồng không hiệu quả, dân phá bỏ cao su, thì không ai chịu trách nhiệm.
"Dân có đất là trồng, định hướng của nhà nước nhưng không ai nói cho họ đầu ra thế nào, thị trường ra sao. Ai muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi. Tỉnh cũng chịu", ông Đạo nêu khó khăn.
Ông Đạo cũng cho biết, sở không thể can thiệt vì không có cơ chế quản lý rõ ràng, không có quy hoạch cụ thể, khoa học như khoanh vùng thế nào, có bao nhiêu cây... quy hoạch chỉ chung chung là bao nhiêu ha, giờ vượt bao nhiêu ha thì không kiểm soát được. Dân có chặt phá cũng không ai giữ được.
Trong khi đó, Tổng công ty luôn tự làm theo cách của mình. "Sở chỉ khuyến cáo thôi chứ ai muốn làm gì thì làm, họ không làm thì việc của họ", ông Đạo nói.
Tập đoàn phải tính toán đầu ra
Trong khi đó, với diện tích khá khiêm tốn khoảng gần 10 ngàn ha cao su mới trồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Lê Văn Minh cho rằng "chưa thu hoạch nên chưa cần tính"
Theo ông Minh, giá cả lên xuống là bình thường, không có giá nào cao mãi và cũng không có thấp mãi, do đó tỉnh chỉ đạo người dân tiếp tục chăm sóc chờ giá lên sẽ thu hoạch.
"Tiêu thụ là nhiệm vụ của Tập đoàn cao su Việt Nam, nên khi quy hoạch, định hướng trồng Tập đoàn phải chịu trách nhiệm về đầu ra. Địa phương chỉ tạo điều kiện để cho Tập đoàn trồng trọt", ông Phạm Thế Hiển - Giám đốc Sở NN&PTNT Điện Biên thì khẳng định trước bối cảnh giá cao su trong nước đang chạm đáy.
Ông Hiển cũng cho biết, may là cao su của địa phương còn non chưa cho mủ nên vấn đề giá hiện nay chưa cần quan tâm. Tuy nhiên, vị giám đốc sở này khẳng định, nếu sang năm tình trạng giá cao su tiếp tục đi xuống Tập đoàn cao su sẽ phải bàn giải pháp.
Trước đó, tại một hội nghị toàn Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) vào cuối tuần trước, vấn đề giá cao su, đánh giá thị trường tiêu thụ, chuyển hướng tìm đầu ra cho sản phẩm cao su đã được tổ chức.
Tại đây, một kết luận chung là những mặt hàng cao su của Việt Nam hiện nay không đáp ứng tốt nhu cầu thị trường thế giới.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), năm 2013, bốn nước nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Nhật Bản đã nhập gần 66% trong tổng số gần 10 triệu tấn cao su thiên nhiên xuất khẩu của các nước, trong đó, nhiều nhất là cao su dùng để sản xuất lốp xe ô tô như SVR 10, SVR 20.
Việt Nam chủ yếu xuất cao su SVR 3L (để sản xuất găng tay, dây thun, đế giày dép) qua Trung Quốc, do nước này có chính sách miễn thuế cho mặt hàng này và do giá SVR 3L thường cao hơn giá SVR 10, SVR 20 khoảng 200 đô la Mỹ/tấn.
Hiện giá cao su SVR 3L đang ở mức 30 triệu đồng/tấn, mức giá thấp nhất kể từ năm 2008 (tính theo tỷ giá đô la Mỹ).
TBKTSG dẫn nguồn VRA trích dẫn báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) cho thấy đến năm 2020, tổng nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên ước khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó, khoảng 11 triệu tấn dùng để sản xuất lốp xe các loại, còn nhu cầu đối với cao su SVR 3L chỉ khoảng 150.000 tấn, tức chỉ bằng một phần ba sản lượng hiện nay của Việt Nam!
Mặt khác, thị trường tiêu thụ SVR 3L nhiều nhất là Trung Quốc. Nếu trong tương lai, vì một lý do nào đó, nước này không còn ưu đãi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này nữa thì các công ty nhập khẩu có khả năng sẽ chuyển sang nhập cao su SVR 10, SVR 20 có giá rẻ hơn. Với cơ cấu sản xuất chủ yếu là cao su thiên nhiên SVR 3L chất lượng cao, hiện các doanh nghiệp Việt Nam bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây là một bất lợi.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]