Thông tin từ Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam , cho thấy xuất khẩu thủy sản trong quý I năm nay đạt khoảng 1,5 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu thủy sản trong năm nay sẽ đạt 7 tỉ USD, trong đó xuất khẩu cá tra sẽ là 1,8 tỉ USD, bất chấp thị trường Mỹ đang gặp khó khăn vì nước này áp thuế chống bán phá giá ở mức cao gây bất lợi cho cá tra của Việt Nam.
Thông tin gần đây cho thấy giá cá tra nguyên liệu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang tăng cao 25.000-25.500 đồng/kg, có thời điểm lên đến 26.000-28.000 đồng/kg. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết nguồn cung không nhiều, giá tăng nên người nuôi chỉ bán cá tra cho các doanh nghiệp thanh toán tiền ngay.
Cũng theo ông Hòe, cho dù cá tra nguyên liệu tăng mạnh nhưng vẫn không khuyến khích người nuôi đầu tư mở rộng diện tích nuôi. Nguồn cung chỉ thiếu hụt trong một giai đoạn nhất định, nếu ồ ạt nuôi sẽ dẫn đến dư thừa và giá sẽ giảm thê thảm. Doanh nghiệp cũng không có động lực để tăng sản lượng nuôi vì tài chính không có.
Theo VASEP, với 1,25 triệu tấn cá tra nguyên liệu thì chỉ có 300.000 tấn nuôi nhỏ lẻ, còn 900.000 tấn được những hộ lớn và doanh nghiệp nuôi (500.000 tấn là do 200 doanh nghiệp lớn nuôi, trong đó 300.000 tấn được nuôi từ nguồn vốn tín dụng).
Theo VASEP, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) về vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu từ ngày 1-8-2011 đến 31-7-2012.
Theo quyết định này, mức thuế của 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đối với Công ty Vĩnh Hoàn là 0,03 USD/kg và Công ty Hùng Vương là 1,2 USD/kg. Riêng mức thuế suất toàn quốc là 2,11 USD/kg không thay đổi so với kết quả sơ bộ, còn mức thuế riêng lẻ là 0,42 USD/kg.
Ông Trương Đình Hòe cho biết quyết định này cho thấy DOC vẫn giữ nguyên quan điểm và lập luận trong việc chọn Indonesia là quốc gia tính giá trị thay thế bất chấp những phản đối quyết liệt từ các doanh nghiệp. Indonesia không nằm trong danh sách các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam, việc chọn quốc gia này để tính biên độ phá giá là không phù họp.
Chỉ số GNI của Indonesia gấp đôi Việt Nam và GDP gấp 4 lần Việt Nam. Do đó, các giá trị thay thế của Indonesia mà DOC áp dụng cho Việt Nam như giá cá sống, con giống, thức ăn, phụ phẩm… chênh lệch lớn giữa ngành chăn nuôi cá Việt Nam và Indonesia, dẫn đến kết quả cuối cùng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Theo ông Hòe, nếu DOC chấp nhận chọn Bangladesh có mối tương đồng với Việt Nam để tính biên độ phá giá sẽ chính xác hơn.
Kết quả POR9 chứng tỏ DOC ngày càng siết chặt các quy trình tính toán các dữ liệu, chọn quốc gia tính giá trị thay thế để tính biên độ phá giá áp cho Việt Nam một cách không thống nhất, mang tính bảo hộ trong các kỳ xem xét gần đây gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. DOC cần phải xem xét thận trọng quá trình điều tra và áp thuế chống bán phá giá trong các kỳ xem xét hành chính trên tinh thần tôn trọng, dân chủ vì quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng như hàng triệu người dân phụ thuộc vào ngành sản xuất, chế biến cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo VASEP, việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ không đe dọa ngành công nghiệp cá nheo của họ mà trái lại đã tạo ra công ăn việc làm cho ngành kinh doanh các sản phẩm cá tra Việt Nam, cung cấp sản phẩm cá thịt trắng chất lượng cao với giá cả phù hợp với nguồn cung ổn định.
Theo Newsgo
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]