Bao bì gạo đóng gói in hình cô gái Việt nhưng là hàng Thái.
Nhãn hiệu Gạo nàng thơm Chợ Đào vừa được văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (United State Patent and Trademark Office) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Một tin tức tốt lành cho gạo Việt sau năm năm trời các thương hiệu gạo như 9 Rồng Vàng, Hương Việt và Nàng thơm Chợ Đào của công ty thực phẩm Tiền Giang xuất khẩu tới nhiều thị trường Mỹ.
Sự chứng nhận này không chỉ đảm bảo quyền lợi của người sản xuất và nắm giữ thương hiệu, mà còn kỳ vọng sẽ nâng uy tín cho thương hiệu nông sản Việt trên đất Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích hiển nhiên của việc đạt được chứng nhận USPTO thì điều này lại… không đảm bảo rằng gạo Việt đang tiêu thụ đúng cách nó được đóng gói xuất vào Mỹ, hoặc được chấp nhận thực sự bởi người tiêu dùng Mỹ.
Gạo Việt vào Mỹ bị đánh
Từ năm tài khoá 2008 – 2012, Mỹ nhập lúa gạo từ Việt Nam vào Mỹ tăng gần… 4.900%, theo số liệu từ hiệp hội Các nhà sản xuất lúa gạo tại Mỹ (RPA). Do đó, RPA trực tiếp gửi kiến nghị tới các công ty nhập khẩu gạo Việt và gây ra một đợt sóng truyền thông lên tiếng về việc liệu nước Mỹ có thực sự thiếu lúa gạo khi nhập khẩu quá nhiều gạo Việt trong năm 2013.
Việc đó tạo cớ để “đánh” vào độ an toàn của lúa gạo nhập khẩu cũng như những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. RPA cho rằng Việt Nam đã vi phạm các quy định thương mại quốc tế khi không “đóng cửa” các chương trình bảo hộ nội địa kể từ khi gia nhập WTO.
Cùng trong năm đó, có lẽ, không phải tình cờ mà một nghiên cứu được công bố từ một văn phòng nghiên cứu thực phẩm tại New Jersey khiến nước Mỹ rúng động về thông tin lượng chì và arsenic cao được tìm thấy trong lúa gạo toàn cầu nhập khẩu vào Mỹ. FDA đã vào cuộc và kết luận chì không có trong gạo Việt và lượng arsenic trong gạo nói chung không đáng ngại.
Lên đời và tái xuất
Trong các hệ thống bán lẻ nông sản thực phẩm nổi tiếng của Mỹ như Trader Joe’s hay các siêu thị thông thường ở Mỹ, gạo Việt hầu như vắng bóng trên quầy kệ. Khi thâm nhập vào hệ thống các siêu thị thực phẩm và cửa hàng thực phẩm tiện dụng tại các khu China Town ở nhiều thành phố như San Francisco, Los Angeles … có thể bắt gặp những bao bì có ghi tiếng Việt là “Gạo Tám thơm” hay “Lúa mới”… nhưng khi đọc kỹ thì xuất xứ của nó là từ Thái Lan.
Một số siêu thị đã tự đóng gói và dán nhãn “Gạo Tám thơm” bằng bao bì viết tay không nhãn mác, và khi được hỏi Gạo Tám này có thực sự 100% của Việt Nam không thì người hỏi không nhận được câu trả lời.
Các đặc sản khác từ lúa gạo Việt Nam nổi tiếng lâu nay như phở, bún, bánh tráng, bột nếp, bột tẻ… bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị ở Mỹ tuy trên bao bì có in tiếng Việt nhưng phần lớn đều được sản xuất tại Thái Lan, Đài Loan hay Trung Quốc. Vậy, gạo Việt nhập khẩu vào Mỹ đã thực sự đi đâu khi không tới tay người tiêu dùng trực tiếp?
Trên thực tế, cũng như nhiều loại nông sản khác, khi được nhập khẩu vào thị trường này, gạo Việt sẽ được “tái xuất” sang các thị trường châu Á hoặc châu Mỹ dưới nhãn mác của gạo Mỹ, với giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với giá đã nhập khẩu.
Trung Quốc cũng nhập tới khoảng 1/3 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều công ty Trung Quốc tại Mỹ cũng như tại Trung Quốc đã thừa nhận họ nhập khẩu nhiều loại gạo khác nhau với xuất xứ từ châu Á như gạo Việt, gạo Thái… rồi phải “trộn” với nhau theo những tỷ lệ… khó phát hiện nhằm đảm bảo giá thành trong mức chấp nhận được với người tiêu dùng và có lời cho doanh nghiệp.
Cách làm này của các công ty xuất nhập khẩu lúa gạo và đặc biệt của các hệ thống siêu thị tại Mỹ, đã khiến gạo Việt mất đi nguồn gốc thực sự của nó và làm sai lệch nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng thực sự của hạt gạo Việt Nam.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]