Hiện giá lợn hơi trên thị trường Đông Nam Bộ dao động trong khoảng 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp thu mua lợn ở Đồng Nai – địa phương có số lượng lợn nuôi lớn nhất nước, người nuôi vẫn đang kêu giá ở mức 37.000 – 38.000 đồng/kg khiến kênh tiêu thụ này gần như hoạt động cầm chừng.
Ngóng giá từ… Trung Quốc
Giá lợn đã tăng nhưng nhiều người chăn nuôi ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) chưa muốn bán lợn. Ảnh: K.H
Anh Phan Khắc Dũng – một thương lái có thâm niên mua lợn 20 năm nay tại Đồng Nai, nhận định khi nói về việc giá lợn hơi đang tăng nhưng người nuôi vẫn găm hàng để đẩy giá: “Gần như từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, chúng tôi chỉ mua bán lợn cầm chừng. Gọi đến trại nuôi nào họ cũng đẩy giá cao gấp 5 - 7 “lai” (1 lai = 1.000 đồng – PV) so với giá thị trường. Giờ người nuôi lợn chỉ ngóng giá từ thương lái Trung Quốc thôi”.
Quả thật, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Đồng Nai đang có hiện tượng nông dân nuôi lợn găm hàng chờ giá. Theo ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đây là tâm lý chung của nông dân nuôi lợn. “Hai tuần nay, bà con nuôi lợn nghe thông tin Trung Quốc mở cửa thị trường. Cùng lúc đó, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng đang gom lợn trong hệ thống để xuất sang Trung Quốc khiến nông dân tin tưởng vào việc giá lợn hơi sớm muộn cũng tăng lại, nên họ găm hàng” - ông Đoán cho biết.
Anh Đinh Viết Thịnh –nông dân xã Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, anh đang nuôi 100 con lợn và hơn chục nái. Trước Tết Nguyên đán, thấy lợn hơi tụt giá quá sâu nên anh đã bán ra 50 con lợn thịt. Tuy nhiên, sau Tết, thấy giá lợn hơi nhích lên anh đã ngừng bán để chờ xem giá có tăng lên nữa hay không. “Hiện tôi còn khoảng 50 con lợn trọng lượng khoảng 100kg/con. Lứa lợn này tôi bị lỗ nhiều, giờ nghe tin lợn tăng giá nên tôi muốn giữ lại chuồng, chờ khi nào giá tốt tôi mới bán ra để gỡ gạc” – anh Thịnh nói.
Trong khi đó, tại xã Bảo Hòa (Xuân Lộc, Đồng Nai) – một xã trước tết còn tự “giải cứu” lượng lợn tồn bằng cách mổ thịt chia nhau ăn tết, thì nay cũng găm hàng chờ giá. Theo ông Văn Quang Giang – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, vụ tết vừa qua toàn xã nuôi hơn 50.000 con lợn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 50% số lượng đàn lợn trong xã chưa bán được. “Lợn còn tồn nhiều, nhưng bà con vẫn đang cố găm hàng chờ giá tăng thêm chứ giờ có bán ra cũng vẫn lỗ” – ông Giang cho hay.
Cần chủ động xuất chuồng
Theo ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh còn tồn khoảng 400.000 con lợn có trọng lượng từ 70kg trở lên. Nguyên nhân có lượng lợn tồn lớn như vậy là do tình trạng tăng đàn “nóng” trong năm qua. Theo đó, nếu năm 2015 tổng đàn lợn của Đồng Nai là 1,7 triệu con thì sang năm 2016 đã tăng đột biến lên 2,1 triệu con nên dẫn đến nguồn cung tăng “sốc” khi thị trường Trung Quốc ngưng nhập hàng.
Giá tăng mà nông dân chưa chịu bán lợn tồn, theo ông Nguyễn Kim Đoán, việc này quá mạo hiểm vì thị trường chưa cho thấy dấu hiệu sáng sủa, trong khi bà con phải lại tiếp tục đổ vốn để mua thức ăn cho lợn. “Mặc dù thời điểm này tình trạng lợn quá tải trọng (1,2 – 1,5 tạ/con) tồn trong dân không còn “nóng” như khoảng 2 tháng trước, song nếu vài tháng nữa mà bà con không bán lợn ra sẽ có không ít trang trại phải cầm cố tài sản mới duy trì được chăn nuôi” - ông Đoán nhận định. Thời gian qua, để giải quyết lượng lợn tồn, Sở NNPTNT Đồng Nai đã kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành chế biến tăng cường thu mua lợn. Mặt khác, người nuôi phải nhìn vào thị trường để kịp thời điều chỉnh quy mô đàn, tránh rủi ro càng nuôi càng thua lỗ, phải chủ động xuất heo sớm chứ không trữ lợn chờ bán đi Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sau đợt khủng hoảng giá lợn này, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn vốn duy trì đã phải “treo” chuồng. Các trại nuôi lợn số lượng lớn đang tính toán đến việc giảm đàn, tránh lỗ. “Trong tình hình “chập choạng” giá hiện nay, nếu thấy được giá bà con nên chấp nhận bán cho dù có lỗ lứa lợn này, vì không biết giá lợn có thể tăng nữa hay không, nhưng chắc chắn cứ găm hàng sẽ lỗ thêm tiền thức ăn. Một năm bà con nuôi mấy lứa lợn, làm ăn là phải có được mất, thua lứa lợn này tìm cách gỡ lứa khác thôi” - ông Văn Quang Giang đưa ra giải pháp.
Thịt lợn xẻ bị khâu trung gian làm giá Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NNPTNT), giá lợn hơi nội địa tuần qua đã tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg do lượng hàng đi Trung Quốc tăng mạnh trong những tuần nghỉ Tết Nguyên đán. Cụ thể, giá lợn hơi lai bán buôn tại Hà Nội ngày 10.2 ở mức 32.000 đồng/kg; lợn hơi siêu nạc bán buôn đạt 38.000 đồng/kg. Giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh trong thời gian dài khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng, tuy nhiên theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số đầu lợn của cả nước tháng 1.2017 vẫn tăng 4,7 - 5,2% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do người chăn nuôi mở rộng quy mô đàn trong những tháng cuối năm 2016 để xuất khẩu, nhưng do Trung Quốc đột ngột dừng thu mua khiến sản lượng lợn trong nước bị dư thừa. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]