Hiện nay, chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng, người dùng có thể mua được bất cứ thứ gì từ thực phẩm tươi sống đến đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo thời trang...thông qua internet.
Bên cạnh những cửa hàng online uy tín thì có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng và sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng trà trộn, đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường làm ảnh hưởng đến uy tín của những người làm ăn chân chính và giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Rất nhiều người tiêu dùng đã phản ánh về việc họ bị lừa khi mua hàng online trên mạng. Sản phẩm được quảng cáo rất đẹp nhưng trên thực tế khi nhận hàng lại khác xa so với hình được đăng trên mạng. Hoặc những mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... nhưng giao cho khách hàng hóa lại có xuất xứ từ Trung Quốc...
Chị Hương, Thanh Xuân chia sẻ, chị không có thói quen mua hàng qua mạng nhưng khi thấy một trang bán hàng trên Facebook quảng cáo chiếc váy hàng thời trang có tiếng chị đã quyết định thử đặt mua. Tuy nhiên, khi tận mắt nhìn thấy sản phẩm thì khác quá xa so với hình ảnh trên website.
"Tôi đặt mua một chiếc váy màu ánh kim của hãng Zara trên web nhìn rất đẹp, thế những trên thực tế thì giống như giấy bạc bị vò nát. Tôi có gọi điện, nhắn tin phản ánh thì chủ cửa hàng đã phủ nhận và chặn luôn toàn bộ số điện cũng như tài khoản Facebook của tôi mà không có lấy một lời xin lỗi", chị hương cho biết.
Hiện nay, Facebook được coi như là 1 "thiên đường" của giới kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam. Không khó để có tìm kiếm trên Facebook một trang bán hàng online bán hàng hóa của những thương hiệu nội tiếng trên thế giới như Gucci, Louis Vutton, H&M... Từ đồng hồ, túi xách, giày dép cho đến quần áo của hãng thời trang đắt tiền được bán trên Facebook chỉ có giá từ nửa triệu đồng trở lên trong khi hàng chính hãng có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Chu trình mua bán hàng online thường là xem và chọn hàng qua hình ảnh, sau đó liên hệ để người vận chuyển mang đến tận nơi. Nguyên tắc giao dịch này tuy nhanh chóng, giúp người mua tiết kiệm thời gian nhưng lại dễ gặp nhiều rủi ro.
Ngoài ra, không ít gian thương lấy cắp hình ảnh từ các trang web bán hàng uy tín trong nước hoặc nước ngoài để đưa ra chào hàng. Nhìn thấy hình ảnh đẹp cùng những lời cam kết của trang bán hàng, nhiều người tiêu dùng tin tưởng đặt mua và sản phẩm nhận được là hàng gia công, chất liệu xấu. Khi khách hàng gọi điện thắc mắc thì các trang bán hàng này không trả lời hoặc xóa phản hồi trên của khách.
Kinh doanh qua mạng là xu thế và trào lưu của cuộc sống hiện đại tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn chưa theo kịp để có thể quản lý thị trường mới này.
Thực tế, đã có rất nhiều người tiêu dùng mua hàng qua mạng khiếu nại vì mua phải hàng hóa kém chất lượng, không giống mẫu mã cũng như chất liệu mà chủ cửa hàng quảng bá. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn không được bồi thường do hàng hóa công ty, cửa hàng không có địa chỉ rõ ràng hoặc địa chỉ ảo.
Không tốn tiền thuê mặt bằng, kinh doanh tiện lợi, không bị kiểm soát và hầu như không bị cơ quan chức năng kiểm tra. Đây là những lý do khiến cho hình thức kinh doanh qua mạng ngày càng phát triển rầm rộ. Nếu để thực trạng này tiếp diễn và không được kiểm soát thì những doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ chịu nhiều ảnh hưởng xấu và người tiêu dùng thì bị thiệt hại.