Ngày càng táo tợn
Làm việc với đại biểu HĐND TP HCM tuần qua, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Đội trưởng QLTT huyện Bình Chánh, cho biết từ quý II năm nay, đường cát Thái Lan trở thành mặt hàng lậu nổi cộm. “Huyện Bình Chánh đã bắt giữ khoảng 30 tấn đường nhập trái phép vào Việt Nam. Để ngăn chặn hàng lậu, chúng tôi cho lực lượng trinh sát từ Đức Hòa (tỉnh Long An). Tuy nhiên, lực lượng chức năng lại bị bọn buôn lậu theo dõi ngược lại” - ông Đức nói.
Không chỉ cửa ngõ Bình Chánh, các địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, quận 12… đã trở thành tuyến vận chuyển đường cát lậu. Gần đây nhất, ngày 15-12, QLTT huyện Củ Chi phát hiện xe tải chở 1,6 tấn đường cát nhập lậu còn nguyên bao bì của nhà sản xuất ở nước ngoài. Các nhãn hiệu đường bị thu giữ gồm Thai Sugar Mill, Premium Refined Cane Sugar, Kaset Thai International Sugar, Cristalla của Thái Lan và Phnom Penh Sugar của Campuchia.
Trước đó, tháng 11-2015, QLTT huyện Củ Chi cùng lực lượng liên ngành kiểm tra 2 xe tải đang vận chuyển 331 bao (mỗi bao 50 kg) đường cát trắng xuất xứ từ Thái Lan nhưng không có chứng từ. Tại thời điểm kiểm tra, do không ai nhận là chủ hàng, chủ xe nên lực lượng QLTT tạm giữ toàn bộ số đường lậu và phương tiện để xử lý. Tháng 7-2015, lực lượng liên ngành huyện này cũng phát hiện xe tải chở 4,2 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia.
Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết từ đầu năm nay, sau khi trùm buôn lậu Vi Ngươn Thạnh (thường gọi Tỷ đường) ở An Giang bị bắt, đường cát buôn lậu qua tỉnh này giảm hẳn. Sau đó, mặt hàng nhập lậu này chuyển sang Long An rồi về TP HCM. “Trước đây, đường lậu về đến TP HCM phần lớn đã được “thay áo”, còn gần đây, táo tợn hơn, bao bì của nhà sản xuất ở nước ngoài vẫn được giữ nguyên” - ông Hải bức xúc.
Do đường nội giá cao
Ông Nguyễn Thanh Tuân, Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ Công ty TNHH Bánh kẹo Phạm Nguyên, cho biết đường là nguyên liệu chính của công ty nhưng do giá đường nội đang quá cao trong khi muốn nhập khẩu mặt hàng này phải xin hạn ngạch rất khó khăn. Đường lậu giá rẻ nhưng công ty không sử dụng do không có nguồn gốc rõ ràng, không qua kiểm soát chất lượng.
Theo ông Tuân, nhu cầu sử dụng đường của công ty khoảng hơn 30.000 tấn/năm nhưng năm 2014 chỉ xin được hạn ngạch nhập 500 tấn, năm 2015 chỉ xin được 300 tấn. “Đường Thái Lan chất lượng tốt, giá lại thấp hơn đường trong nước từ 10%-20%, tính cả thuế nhập khẩu và chi phí kiểm nghiệm chất lượng ở Bộ Y tế. Trong khi đó, nhà nước lại hạn chế nhập khẩu đường làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế do giá thành cao” - ông Tuân phân tích.
Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, dự báo từ nay đến cuối năm, đường lậu sẽ vào nhiều do nhu cầu tăng cao, trong khi giá đường trong nước đang cao hơn các nước lân cận.
Về xử lý tang vật, ông Bách đề xuất: “Nếu kiểm nghiệm đạt yêu cầu nên chuyển giao đường nhập lậu cho cơ quan chức năng bán đấu giá để tránh lãng phí. Chỉ khi đường không bảo đảm chất lượng mới tiêu hủy”. Về nguyên nhân đường nội giá cao, ông Nguyễn Hải cho rằng do giá mía trong nước cao hơn thế giới.
Tiếp tục bảo hộ đường trong nước Thông tin về đàm phán mở cửa thị trường nông sản Việt Nam, Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hơn 1.400 dòng thuế đối với nông - lâm - thủy sản giảm về 0% nhưng mặt hàng đường không bị xóa thuế; đến năm 2018, thuế nhập khẩu vẫn còn 5%. Còn theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, lộ trình xóa thuế nhập khẩu đường là 11 năm để về mức 0% (hiện nay là 25%-40%) trong hạn ngạch theo Tổ chức Thương mại thế giới. Đối với đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch, thuế suất là 80%-85%, tùy loại. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]