Chính sự buông lỏng trong việc kiểm tra các cơ sở sản xuất tôm giống của cơ quan liên quan nên dẫn đến hậu quả nông dân thành con nợ của ngân hàng.
Phải mất gần 1 giờ đồng hồ chạy vòng quanh các hồ tôm bỏ hoang giữa vùng cát ở xã Điền Hương (huyện Phong Điền), chúng tôi mới gặp được 2 hộ nuôi tôm đang loay hoay chăm sóc cho hồ tôm vừa thả giống.
Biết có người về tìm hiểu nguyên nhân khiến nhiều đồng tôm bỏ hoang, ông Nguyễn Đình Mười, ở thôn Trung Đồng Đông (xã Điền Hương) nói: “Hai năm trước, ở đây có gần 30ha ao hồ nuôi tôm. Nhưng sau mấy vụ tôm thất bát, đặc biệt là vụ vừa rồi tôm chết hàng loạt do dịch bệnh, nên nhiều hộ không có vốn tái sản xuất nữa. Riêng gia đình tui có 2 hồ tôm rộng 9.000m2 may mắn thu lại vốn sau khi bỏ chi phí nuôi gần 1 tỷ đồng...”. Ở xã Điền Hương không phải hộ nuôi tôm nào cũng may mắn như ông Mười.
Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết: Từ cuối năm 2013 đến nay, tôm nuôi trên địa bàn xã bị dịch bệnh liên tục. Cả xã có 52ha tôm thẻ chân trắng, nhưng có gần 20ha tôm bị dịch bệnh. Ngoài ra, do giá tôm hiện chỉ còn 80-90 nghìn đồng/1kg nên sau khi thu hoạch, nhiều nông dân thua lỗ từ 50-100 triệu đồng. Thậm chí có hộ lỗ vốn 200 triệu đồng vì... tôm bệnh.
Trong tình cảnh tương tự, dọc vùng cát trắng ven biển qua các xã Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa (huyện Phong Điền) vốn có hàng trăm hồ tôm nay, chỉ còn một số hồ được người dân nuôi… cầm chừng.
Ghi nhận tại xã Điền Lộc, xã vốn có không ít nông dân trở thành “triệu phú” nhờ tôm; nhưng nay cũng xuất hiện nhiều hồ tôm trơ đáy. Bên cạnh đó là nhiều nhà kho, lều bạt, máy bơm... cũng bị bỏ hoang giữa trời mưa, nắng.
Dẫn tôi ra chiếc máy bơm đã gỉ nằm chỏng chơ trên bờ hồ, ở giữa là hồ tôm khô cạn đáy mà ông Nguyễn Hoài Lân (trú thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc) không giấu được nỗi buồn: “Bốn đứa con tui ăn học nên người là nhờ 2 hồ tôm này. Ấy thế mà giờ gia đình phải “bó tay”, vì cứ thả tôm giống xuống thì chỉ vài hôm sau là tôm chết. Với hy vọng lấy lại số vốn đã mất, gia đình đã vay mượn 300 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện; nhưng càng nuôi thì càng thua lỗ. Nợ ngân hàng không biết bao giờ mới trả được!”.
Theo ông Lân, các thôn Mỹ Hòa và Tân Hội được xem là vùng nuôi tôm nhiều nhất ở xã Điền Lộc, nhưng nay diện tích đã giảm xuống chỉ còn 40%.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định: “Chất lượng tôm giống đang bị “vàng thau lẫn lộn”, bởi người mua tôm giống thường bị lừa mua các loại giống tôm kém chất lượng, không có kiểm dịch. Đây là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên đàn tôm lây lan. Biết vậy, nhưng đơn vị không thể kiểm soát hết bởi lực lượng chi cục quá mỏng”.
Qua tìm hiểu được biết, hiện tỉnh Thừa Thiên- Huế có diện tích nuôi tôm khoảng 4.300ha. Trong đó, mỗi năm nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng đạt 1,5 tỷ con và 200 triệu con giống đối với tôm sú. Do nguồn cung ứng giống tôm tại chỗ quá khan hiếm nên người dân buộc phải mua giống từ các công ty và nguồn giống trôi nổi ở các tỉnh phía Nam.
Nhiều hộ nuôi tôm cho rằng, do chất lượng tôm giống không đảm bảo, cùng với việc quản lý lỏng lẻo của cơ quan liên quan trong việc kiểm tra cơ sở sản xuất tôm giống, đã dẫn đến hậu quả, tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm trở thành con nợ ngân hàng; kéo theo việc hàng trăm lao động thời vụ ở các xã ven biển cũng bị mất việc làm.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]