Theo người đứng đầu Tập đoàn Đức Khải, khi về Việt Nam, toàn bộ 100 tàu cả đánh bắt và hậu cần, sẽ được sơn sửa lại, với 2 màu chủ đạo là trắng đỏ.Đội tàu 100 chiếc mà tập đoàn Đức Khải đang đàm phán với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Mỹ để mua có công suất từ 500 đến 1.500CV, trong đó 95 tàu chuyên đánh bắt, 5 chiếc sẽ làm nhiệm vụ hậu cần, cứu nạn.
Trong đề án chi tiết được doanh nghiệp này trình Chính phủ và các bộ, ngành, 95 tàu chuyên đánh bắt được chia làm 2 loại, trong đó 60 tàu được trang bị ngư lưới cụ chuyên dụng để đánh bắt cá ngừ đại dương, 30 tàu còn lại khai thác các loại hải sản khác sử dụng lưới rê, lưới vay.
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Đức Khải, cho biết đích thân ông đi khảo sát, ký kết mua tàu với các đối tác. Hiện đã có 45 tàu hoàn tất thủ tục mua, dự kiến sẽ đưa về Việt Nam trong tháng 8 này. Trong tuần này, đại diện doanh nghiệp sẽ trở lại Hàn Quốc để đàm phán, đưa 12 chiếc tàu đầu tiên trong số 45 tàu đã mua, về Việt Nam.
Cũng theo ông Lâm, chi phí mua mỗi tàu từ 6 đến 10 tỷ đồng. Tổng kinh phí để đầu tư đội tàu 100 chiếc cùng 2 trực thăng cứu hộ, cứu nạn và 2 ụ nổi làm trạm hậu cần là 1.500 tỷ đồng.
Mỗi tàu đều đươc trang bị ngư lưới cụ và thiết bị đánh bắt hiện đại, với hệ thống thông tin liên lạc và kiểm tra, kiểm soát thường xuyên bằng Internet.
Quyết định mua tàu vỏ sắt, nhôm, composite, sợi tổng hợp...mà không sử dụng tàu gỗ truyền thống, theo lý giải của doanh nghiệp này, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc...ngoài kinh nghiệm đánh bắt thì kỹ thuật đóng tàu của họ cũng rất tối tân, tàu được trang bị hiện đại , có khả năng bám biển dài ngày.
Ngoài thiết bị, ngư lưới cụ đánh bắt hiện đại, những chiếc tàu này cũng được trang bị tối tân có thể sẵn sàng đối phó trước sự hung hăng của các tàu Trung Quốc.
Điều doanh nghiệp này đang băn khoăn là quy định của Việt Nam chỉ cho phép nhập tàu vỏ sắt đã qua sử dụng dưới 8 năm, trong khi nhiều tàu được mua một số đã qua sử dụng 10 -12 năm.
Hiện Đức Khải đã trình đề án xin Chính phủ tháo gỡ để được phép nhập tàu. Theo đơn vị này, dù đã qua sử dụng 10-12 năm, nhưng tất cả những tàu này đều có thể khai thác từ 20-30 năm nữa.
Theo đề án khai thác của doanh nghiệp, tất cả thuyền viên sẽ được hưởng lương theo tỷ lệ 65/35, cụ thể là thuyền viên được hưởng 65%, công ty 34%, 1% sẽ đóng góp cho lực lượng kiểm ngư. Với mức thu nhập này, doanh nghiệp khẳng định sau 5-6 năm, người lao động sẽ trở thành những chủ tàu thực sự vì được tạo điều kiện mua lại cổ phần.
Tàu sau khi đưa về Việt Nam sẽ được sơn sửa lại phù hợp và gắn logo doanh nghiệp. Đây là mô hình tàu đánh bắt của Đức Khải.
Tàu hậu cần cũng được sơn sửa đồng bộ theo mẫu đã được doanh nghiệp này hoàn chỉnh.
Vùng biển dự kiến đánh bắt và nơi đặt các trạm hậu cần để hỗ trợ sau khai thác. Theo ông Phạm Ngọc Lâm, ngay khi 12 tàu đầu tiên về nước sẽ sơn sửa lại và tổ chức ra khơi đánh bắt ngay, để rút kinh nghiệm trước khi đưa toàn bộ đội tàu 100 chiếc vào khai thác.
Theo Zing.vn