Công bố 6 tỉnh có dịch cúm
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tin, trong mấy ngày qua, dịch cúm gia cầm tiếp tục phát sinh tại nhiều địa phương trên cả nước.
Trong đó tại Kon Tum, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 xã thuộc huyện Ngọc Hồi và TP Kon Tum làm 2.663 con gà mắc bệnh. Số tiêu hủy là 5.235 con gà, vịt. Tại Tây Ninh, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 2 xã An Thạch, huyện Bến Cầu và xã Hòa Hội thuộc huyện Châu Thành làm 329 con gia cầm mắc bệnh. Số tiêu hủy là 1.582 con gia cầm.
Tại Cà Mau, ngày 11/2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời và xã An Xuyên, thành phố Cà Mau làm 106 con gia cầm mắc bệnh. Số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 121 con. Tại Khánh Hòa, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 5 xã thuộc 3 huyện Ninh Hòa, Cam Lâm và Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa làm 6.900 con gia cầm mắc bệnh. Số gia cầm tiêu hủy là 6.900 con gia cầm.
Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.
Tính đến ngày 14/2, cả nước có 6 tỉnh Quảng Ngãi, Nam Định, Kontum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Một bệnh nhân bị cúm gia cầm tại Khánh Hòa
Tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người
Ngày 14.2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 200/CĐ-CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.
Công điện nêu rõ: Để chủ động ngăn chặn virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác, hạn chế thấp nhất virus cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23.1.2014.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương - nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía bắc.
Bộ Y tế triển khai quyết liệt, kiểm tra sát sao việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam” và các biện pháp phòng, chống các chủng virus cúm khác.
Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác vào Việt Nam.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc tơng chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp và các sở, ngành liên quan khẩn trương có "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người".
Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án 2088 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống cúm gia cầm lây qua biên giới; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác.
Chỉ đạo đôn đốc, tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán virus.
Tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác trên gia cầm nhập lậu, tại các chợ buôn bán gia cầm sống nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được xử lý chín bằng nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Khi phát hiện có virus cúm A/H7N9 xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường phải báo cáo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan thú y, không để virus phát tán ra diện rộng.
Các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo Ngọc Anh (tổng hợp) - Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]