Một trong những " điển hình” là mặt hàng phân đạm. Nhiều năm trước đây cũng như hiện thời, Việt Nam trở thành một trong những thị trường chủ lực tiêu thụ phân đạm của Trung Quốc. Thiếu thì phải nhập nhưng kì cục ở chỗ kể từ 2012, nguồn cung phân đạm do Việt Nam sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, sang năm 2013 cung đã vượt cầu, nhưng tình trạng nhập khẩu phân đạm từ Trung Quốc vẫn tái diễn với số lượng lớn.
Việt Nam hiện có 4 nhà máy sản xuất phân đạm, tổng công suất đạt hơn 2,2 triệu tấn/ năm. Đến cuối năm nay, sau khi dự án nâng cấp Nhà máy phân đạm Hà Bắc hoàn thành, nguồn cung sẽ được bổ sung thêm 500 ngàn tấn. Theo đó, từ cuối 2014 trở đi, tổng nguồn cung phân đạm sản xuất trong nước đạt hơn 2,7 triệu tấn. Trong khi nhu cầu sử dụng phân đạm của cả nước chỉ giao động ở mức 2 triệu tấn/năm. Nguồn cung trong nước đã vượt cầu thế nhưng phân đạm từ Trung Quốc vẫn cứ tràn vào thị trường Việt Nam. Tính riêng 2013, mặc dù hầu hết các nhà máy sản xuất phân đạm trong nước đang khốn khổ vì tình trạng ứ đọng tồn kho, phía Trung Quốc vẫn tìm cách len lỏi đưa vào thị trường Việt Nam gần 740 ngàn tấn phân đạm. Nên lưu ý một chỉ số: Trong tổng số phân đạm từ các nước vào thị trường Việt Nam, phân đạm xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tỉ trọng hơn 90%, chủ yếu vào bằng bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng này càng khiến cho phân đạm sản xuất trong nước ứ đọng thêm nghiêm trọng.
Trung Quốc là nước sản xuất phân đạm lớn nhất thế giới, tổng công suất hiện thời lên đến 71 triệu tấn/năm (nhu cầu trong nước 52 triệu tấn/năm). Từ nay đến 2017, Trung Quốc tiếp tục "cho ra lò” 20 nhà máy sản xuất phân đạm với tổng công suất được bổ sung ở mức khủng. Như vậy, tồn kho ứ đọng phân đạm của Trung Quốc trong thời gian tới tiếp tục tăng cao. Mỗi năm (tính ở thời điểm hiện tại) tồn kho gần 20 triệu tấn, do đó họ tìm đủ cách xử lí, trong đó có "phép thuật” sử dụng đường tiểu ngạch gia tăng đẩy phân đạm ứ thừa sang Việt Nam.
Nguồn cung phân đạm trong nước đã vượt cầu, nhưng phân đạm ế thừa từ Trung Quốc vẫn tràn vào thị trường Việt Nam. Đó là nghịch lí, gây bất lợi không nhỏ cho nền kinh tế. Các ngành chuyên trách không thể không biết, càng không thể chấp nhận nếu để cho nghịch lí ấy tiếp tục phát sinh.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]