Ngày 22/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Điểm mới quan trọng nhất của Nghị định 67 là quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta.
Đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên.
Đặc biệt, Nghị định đã khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn vỏ thép/vật liệu mới, với thời gian vay 11 năm, lãi suất ưu đãi chỉ từ 1-3%/ năm.
“Phải thực hiện chắc chắn, đảm bảo thành công”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh yêu cầu về việc triển khai Nghị định quan trọng này.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động làm thí điểm, sau đó nhân rộng cho vay đóng mới, cải hoán tàu ở khu vực của mình. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì phải báo cáo kịp thời để Bộ, ngành liên quan tháo gỡ.
Các thông tư hướng dẫn phải thể hiện rõ ngư dân, chủ tàu là người quyết định hoạt động nghề cá của mình dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, ngư dân có quyền lựa chọn ngân hàng để vay, được quyền tham gia vào thiết kế mẫu tàu…
Bộ NNPTNT tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu các mẫu tàu đánh bắt thủy sản để ngư dân lựa chọn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khi xây dựng kế hoạch 5 năm (2016- 2020) phải bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng nghề cá cao hơn năm trước. Các địa phương rà soát công trình hạ tầng trọng tâm để Trung ương ứng vốn thực hiện trước.
Sau Hội nghị này, các Bộ, ngành tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn đúng ngày Nghị định 67 có hiệu lực (25/8) và chủ động chỉ đạo cân đối nguồn vốn để thực hiện. Tại Hội nghị, Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã giới thiệu 10 Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 67.
Bộ NNPTNT đã thông báo về quy định số lượng tàu đánh bắt xa bờ không vượt qua con số 2.097 tàu và 205 tàu dịch vụ hậu cần cho cả nước.
Đồng thời, Bộ cũng phân bổ cụ thể từng địa phương được đóng bao nhiêu tàu cá đánh bắt xa bờ, bao nhiêu tàu dịch vụ hậu cần.
Đơn cử, thành phố Hải Phòng chỉ đóng thêm 36 tàu cá và 6 tàu dịch vụ hậu cần; Nam Định là 30 tàu cá, 4 tàu dịch vụ; Bình Định là 280 tàu cá, 25 tàu dịch vụ; Quảng Ngãi là 172 tàu cá, 15 tàu dịch vụ; Phú Yên là 170 tàu cá, 20 tàu dịch vụ…
Về vấn đề này, lãnh đạo các địa phương trên đều cho rằng qua khảo sát, nhu cầu đóng tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân là rất lớn, vượt quá chỉ tiêu mà Bộ NNPTNT giao.
Trả lời các địa phương, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh không tăng vô hạn tàu đánh bắt xa bờ và không phải nghề đánh bắt xa bờ nào cũng đẩy mạnh phát triển vì phải đảm bảo phù hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phù hợp với quy hoạch phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ. Bộ NNPTNT chỉ đề nghị tăng lượng đánh bắt ở 5 nghề: Câu, vây, rê, chụp và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Hiện sản lượng đánh bắt thủy sản theo quy định là là 2,2 triệu tấn/năm, trong đó đánh bắt gần bờ là 0,8 triệu tấn, còn đánh bắt xa bờ là 1,4 triệu tấn.
Về điều kiện cho vay ưu đãi đóng tàu xa bờ, Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng tình với kiến nghị của các địa phương. Bộ NNPTNT sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương căn cứ thực hiện, xây dựng chương trình đào tạo nghề cho ngư dân, trong đó ưu tiên đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và ngư dân với những kỹ năng đặc thù của mỗi nghề.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết thêm Nghị định 67 không thể cho ngư dân vay để trả nợ việc đóng tàu sắt trước đây vì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu nâng cấp, đóng tàu mới theo khoản ngân sách đã được Nhà nước phê duyệt. Bên cạnh đó, Nghị định 67 cũng không hỗ trợ cho hoạt động thu mua, chế biến hải sản mà chỉ phục vụ trực tiếp cho chủ tàu, doanh nghiệp có hoạt động nghề cá.
Trước băn khoăn khi địa phương đã phê duyệt đối tượng ưu đãi đóng tàu cá nhưng ngân hàng thương mại không đồng ý thì phải giải quyết vấn đề này thế nào, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, khi xét duyệt đối tượng, các địa phương cần tham khảo ý kiến của chi nhánh NHNN. Sau đó chi nhánh NHNN sẽ có chỉ đạo tới từng ngân hàng thương mại tiếp cận với người vay và cho vay.
Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối chủ động tham gia chương trình, đây là những đơn vị chủ lực thực hiện Nghị định 67.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]