Ngày 29-7, phiên thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ 18 HĐND TP.HCM đã thảo luận sôi nổi về vấn đề thu phí xe máy, chất lượng và giá nước trên địa bàn.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đề nghị đại biểu HĐND chấp nhận đề nghị của UBND TP.HCM tiếp tục triển khai thu phí xe máy trong thời gian tới.
Nghị định 18 vẫn còn hiệu lực
Đại biểu Trần Quang Thắng mang đến nghị trường một phép tính. Ông nói: Vấn đề thu phí xe máy phải dựa vào đơn vị nhỏ nhất của chính quyền là tổ dân phố. Ví dụ như ở quận 8 có 1.409 tổ dân phố, mức phí xe máy thu được tạm tính toán là trên 1,2 tỉ đồng.
Số tiền này chi cho người hành thu ở các tổ dân phố thì mỗi tổ được lãnh khoảng 800.000 đồng. Tổ nào có hai người thu thì mỗi người được 400.000 đồng. Đó là chưa kể tiền phát hành tem, biên lai, chưa kể phần chi cho lực lượng cảnh sát phối hợp làm chuyện này.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm kết luận vấn đề: “Nghị quyết của HĐND trên tinh thần thực hiện nghị định 18 của Chính phủ.
Hiện nay nghị định này vẫn còn hiệu lực thi hành, chưa có điều chỉnh gì mới. Tôi đề nghị đại biểu HĐND theo hướng chấp nhận đề nghị của UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện nghị quyết của HĐND về vấn đề này”.
Bà Tâm yêu cầu UBND TP.HCM có biện pháp tuyên truyền tạo sự đồng thuận, hành thu khoa học, hợp lý, quản lý nguồn thu chặt chẽ, sử dụng nguồn thu đúng mục đích và công khai cho dân biết.
Bà Tâm còn khẳng định thêm: “Quốc hội đang thảo luận Luật phí và lệ phí, có nhiều đại biểu, trong đó có tôi, đã góp ý cho dự thảo luật theo hướng không phải bất cứ dịch vụ công nào của Nhà nước cũng thu phí của người dân.
Trong đó, có đặt vấn đề việc thu phí tham gia đường bộ của người dân đối với môtô và thu trên đầu phương tiện là phải xem lại vì nguồn thu không lớn, công tác chi phí hành thu cao, quản lý nguồn thu có khả năng gặp nhiều khó khăn và thực tế nhiều tỉnh, thành đã gặp khó khăn rồi”.
Tuy nhiên, cũng theo bà Tâm, đó là việc Quốc hội đang thảo luận. “Chúng ta không nên nhập nhằng ghép hai việc này vào làm một, rồi nói thu thì thế nào, không thu thì thế nào. Đề nghị đại biểu minh bạch vấn đề này trong tư duy của mình, từ đó giám sát việc thực hiện nghị quyết HĐND cho tốt” - bà Tâm nói.
Theo yêu cầu của bà Tâm về việc cung cấp giải pháp quản lý nguồn thu, ông Nguyễn Thành Chung, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết đã làm việc với một doanh nghiệp công nghệ để xây dựng chương trình phần mềm tạo thuận lợi cho người dân khi đăng ký nộp phí, theo dõi, kiểm tra đường đi của phí.
Ông Chung nói nếu TP.HCM quyết định thu tiếp thì sẽ áp dụng chương trình này.
1 m3 nước giá 50.000 đồng
Trong ngày làm việc thứ hai, kỳ họp đã dành ra gần hai giờ để các đại biểu thảo luận chỉ tiêu cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho 100% người dân trên địa bàn TP.HCM trong năm 2015 theo nghị quyết 28 của HĐND TP.HCM.
Mở đầu buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết qua giám sát các số liệu báo cáo từ năm 2012 - 2014 có nhiều độ chênh, chất lượng nước giếng được lấy tại 1.400 địa điểm tỉ lệ đạt được yêu cầu hóa lý, vi sinh rất thấp.
Nhưng đáng lo ngại việc thông tin, cảnh báo cho người dân chưa đúng mức cũng như hướng dẫn cách xử lý nguồn nước ô nhiễm có nơi chưa được quan tâm.
Ghi nhận nỗ lực của UBND TP.HCM cũng như các sở ngành, quận huyện trong việc triển khai các giải pháp thực hiện chỉ tiêu cấp nước sạch, nhưng bà Tâm cho rằng quá trình triển khai phát sinh nhiều hạn chế như tình trạng việc lắp đặt bồn không phù hợp, xa khu dân cư, gây khó khăn trong việc lấy nước của người dân.
Băn khoăn nhất, theo bà Tâm, vẫn là vấn đề quản lý và giá nước tại nhiều nơi không thống nhất. “Có nơi người dân phải bỏ ra 20.000 - 30.000 đồng nhưng cũng có chỗ phải trả tới 50.000 đồng mới mua được 1m3 nước sạch” - bà Tâm thông tin.
Đại biểu Nguyễn Văn Tùng cho biết bản thân ông và nhiều người dân lo ngại không đạt được chỉ tiêu đề ra. Bởi giải pháp đặt bồn, đồng hồ tổng chỉ là chữa cháy, căn cơ phải là phát triển đường ống, gắn đồng hồ nước tới từng nhà dân.
“Không đặt ra chỉ tiêu thì thôi, chứ đặt ra chỉ tiêu rồi thì phải đạt được. Tôi vẫn băn khoăn với chỉ tiêu này, bởi theo nghị quyết Đảng bộ TP.HCM nói tới năm 2020 mới cấp nước sạch đầy đủ và thực tế nhiều nơi người dân phải chạy 10 phút mới lấy được can nước về xài, như vậy cuối năm nói đạt chỉ tiêu là chưa ổn” - ông Tùng đặt vấn đề.
Đại biểu Lê Tuấn Tài cho rằng với giá thành quá cao, từ 42 - 59 triệu đồng/bộ thì giải pháp lắp đặt thiết bị lọc nước cho hộ gia đình cần tính toán lại, người dân vay vốn như thế nào, thực hiện đấu giá ra sao?
Ông Tài đề nghị Ủy ban MTTQ TP.HCM cần tổ chức phản biện vấn đề này để tránh lãng phí, ngoài ra ông cũng đề nghị Trung tâm Y tế cần cảnh báo tác hại khi nguồn nước giếng nhiều nơi không đạt chất lượng.
Giải trình với đại biểu về việc giá nước không thống nhất tại nhiều nơi, đặc biệt ở các chung cư, ông Bạch Vũ Hải, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), cho rằng tại một số khu dân cư, chung cư như khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh) do công tác quản lý nội bộ khu dân cư qua nhiều đơn vị nên giá nước tính cào bằng, người kinh doanh cũng như người sinh hoạt dẫn đến giá cao.
Sawaco và các đơn vị liên quan đã có giải pháp thực hiện dứt điểm vấn đề này trong thời gian tới.
Sáng 30-7 chất vất Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM Cuối giờ chiều 29-7, các đại biểu HĐND TP.HCM đã thông qua hai tờ trình của UBND TP.HCM gồm: tờ trình về kinh phí hoạt động, chế độ chính sách của đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã phường, thị trấn; tờ trình về phương án thu phí và lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Dự kiến sáng nay (30-7), kỳ họp diễn ra phiên chất vấn chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM và giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]