Ở tuổi 72 nhưng ông Nguyễn Văn Bộ ở xã Nội Duệ (Tiên Du, Bắc Ninh) vẫn khiến nhiều người trẻ khỏe phải nể phục bởi tài làm ăn. Với diện tích bể nuôi 40m2, ông thả 60 con rùa Câm sinh sản và thu lãi 400 triệu đồng/năm.
Nhàn như... nuôi rùa
Chúng tôi đến thăm nhà ông Bộ khi ông đang thay nước cho bể nuôi rùa. Vừa dùng giẻ lau sạch xung quanh thành bể, ông Bộ vừa chia sẻ: “Cách ngày tôi phải thay nước một lần cho rùa bằng nước máy hoặc nước giếng khoan. Nước phải được lọc qua thùng chứa cát sỏi, than hoạt tính để hạn chế vi khuẩn gây hại cho rùa”.
Với ông Bộ, chăm sóc đàn rùa không chỉ đem lại thu nhập cao mà còn là niềm vui tuổi già. Ảnh: Thu Hà
Nghề nuôi rùa Câm có ở huyện Tiên Du hơn chục năm nay, với khoảng 50 hộ nuôi, tập trung nhiều ở thị trấn Lim và xã Nội Duệ. Rùa Câm sinh trưởng khá nhanh, ăn tạp, ít bệnh tật, dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao. Rùa Câm thường được bà con bán cho khách hàng để làm thực phẩm bổ dưỡng hoặc làm dược liệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc”. Ông Nguyễn Đình Khương - Chủ tịch Hội ND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) |
Theo ông Bộ, rùa Câm ưa sạch sẽ nên việc lọc nước cẩn thận sẽ loại bỏ được các tạp chất không có lợi cho sự phát triển của rùa như sắt, flo. Nếu rùa sinh trưởng trong nguồn nước bị nhiễm 2 nguyên tố này sẽ bị hạn chế khả năng sinh sản.
Ông Bộ cho biết, giống rùa Câm rất dễ nuôi, ít bệnh tật, tỷ lệ sống cao và đặc biệt chăm sóc rất nhàn. Với 60 con rùa Câm sinh sản, mỗi ngày ông Bộ chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để thay nước, cho ăn, thời gian còn lại ông đọc sách báo, thong dong đi chơi nhà con cháu và thăm bạn bè.
“Vào mùa nóng, 2 ngày tôi cho rùa ăn 1 lần. Thức ăn chính của đàn rùa là tôm, tép, cá tạp... Đối với rùa giống, lượng thức ăn bằng 3 – 5% trọng lượng cơ thể rùa. Còn rùa sinh sản lượng thức ăn bằng 5 - 10 % trọng lượng cơ thể. Vào mùa lạnh, rùa không ăn gì, vì thế chi phí thức ăn cho cả đàn rùa chưa đến 10 triệu đồng/năm” - ông Bộ bộc bạch.
Đàn rùa bạc tỷ
Ông Bộ cho biết, ban đầu ông chỉ nuôi rùa thương phẩm. Năm 2009, ông phát hiện trong đàn rùa xuất hiện những chú rùa con. Biết là lũ rùa đã đến thời kỳ sinh sản, ông tìm đến các trại nuôi rùa sinh sản trên địa bàn tỉnh tìm hiểu kinh nghiệm làm tổ cho rùa đẻ, cách ấp trứng và nuôi rùa con. Ban đầu, ông Bộ gặp không ít khó khăn bởi rùa đẻ trứng ít, tỷ lệ nở thấp, rùa con thường xuyên bị chết.Trải qua những lần thất bại, ông Bộ đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân.
“Để nuôi rùa sinh sản thành công trong môi trường bể xi măng, khâu thiết kế chuồng trại rất quan trọng. Chuồng nuôi rùa phải có chỗ ăn, chỗ chơi, chỗ đẻ và có hệ thống thoát nước. Bên ngoài chuồng trại phải đảm bảo chắc chắn, xây tường gạch, có lưới sắt phủ bên trên để rùa không bò ra ngoài” - ông Bộ chia sẻ.
Với 2 con rùa sinh sản ban đầu, đến nay ông Bộ đã có hơn 60 con, mỗi năm xuất bán 250 con rùa giống với giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/con. Ngoài ra, ông giữ lại khoảng 30 con rùa giống để chăm sóc, con nào khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn ông sẽ chọn làm rùa bố mẹ, còn lại sẽ bán cho khách với giá khoảng 8-10 triệu đồng/con. Từ bán rùa giống và rùa thương phẩm, gia đình ông Bộ thu lãi 400 triệu đồng/năm.
“Nhiều thương lái ngỏ ý mua lại đàn rùa Câm sinh sản với giá tiền tỷ nhưng tôi không bán. Gần 10 năm gắn bó với đàn rùa, tôi không chỉ có tiền rủng rỉnh trong túi mà còn là thú vui tuổi già” - ông Bộ bày tỏ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]