Đã là năm thứ 5 nhận làm đại lý của các hãng bánh trung thu, anh Nguyễn Hoàng (nhà tại dốc Vĩnh Tuy, Hà Nội) cho biết, tỷ lệ chiết khấu của hãng bánh cho các đại lý mỗi năm mỗi cao thêm. "Tỷ lệ chiết khấu dựa trên doanh số, nhưng không phải doanh số mình bán ra, mà là lượng bánh mình đăng ký lấy của công ty. Nếu như hai năm trước, chiết khấu trên mỗi đơn hàng 100 triệu đồng khoảng 23% thì năm nay đã lên tới 28%. Con số nhìn có vẻ đẹp, dễ kiếm, nhưng chỉ người trong nghề mới biết vất vả thế nào".
Các đại lý lớn không thuộc hãng bánh đang phải cạnh tranh gay gắt, chấp nhận cắt cả phần lãi để chiết khấu cho khách hàng. Ảnh: Zen Nguyễn.
Lợi thế hơn nhiều chủ đại lý khác khi có nhà mặt tiền 4m tại khu vực chân cầu Vĩnh Tuy, anh Hoàng không mất thêm tiền thuê địa điểm. Phần lớn chi phí mà anh phải bỏ ra là tiền hàng, thuê dựng rạp, tiền xăng xe, công giao hàng tận nơi.
"Trung bình mỗi năm tôi lấy khoảng 200-250 triệu tiền bánh, thuê 2 người làm mùa vụ để chở hàng, chi phí cho mỗi người khoảng 3,5 triệu đồng, chưa tính xăng xe. Nếu giao hàng đến các công ty hoặc ở tỉnh khác sẽ phải thuê xe tải, mỗi chuyến từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Riêng túi xách cho mỗi hộp bánh, dù hãng không tài trợ, khách hàng người lấy người không, nhưng cửa hàng vẫn phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua hàng trăm chiếc túi như vậy", anh Hoàng cho hay.
Việc bán nhỏ lẻ không đem lại doanh thu đáng kể, cách mà hầu hết các đại lý mùa vụ thực hiện là liên hệ với doanh nghiệp tại khu công nghiệp, hoặc công ty tư nhân để bán hàng số lượng lớn theo hợp đồng. "Bán như vậy thường phải chấp nhận trích chiết khấu, tức là ăn vào phần lãi doanh số mà mình được nhận từ nhà sản xuất. Nếu không "giắt túi" được vài hợp đồng số lượng trăm hộp thì dù một mùa bán khoảng 200 triệu tiền hàng vẫn chỉ coi như lấy công làm lãi", anh Hoàng cho hay.
Để có thể bán được hàng nhanh chóng với số lượng lớn, anh Hoàng đã phải liên hệ giao bánh cho cả các công ty vừa và nhỏ ở khu vực Hưng Yên, cách nhà khoảng 30km. Chấp nhận chiết khấu đến 10% trên số lượng khoảng 200-250 hộp (tương ứng đơn hàng từ 30 triệu đồng đến 37 triệu đồng), nhưng anh Hoàng vẫn rất khó chốt được hàng, bởi hãng bánh cũng chào hàng và chấp nhận chiết khấu tới 30% cho chính công ty này.
"Mỗi năm, số lượng đại lý cấp một (tự lấy hàng, tự cân đối thu chi) của mỗi hãng càng nhiều. Không chỉ cạnh tranh với chính các đại lý giống mình, cửa hàng hiện phải cạnh tranh với cả nhà sản xuất, vì các đơn vị cũng tăng lượng bán thông qua hợp đồng cho các công ty lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất. Như năm nay, đến đầu tháng 8 mà cửa hàng vẫn chưa bán được tầm 25-30% tổng lượng hàng, và không có hợp đồng sẵn, thì phần lãi chiết khấu chỉ đủ để thanh toán các chi phí. Bởi tính ra cửa hàng chỉ có lãi thực khoảng 7-10% trên mỗi hộp bánh có giá từ 150.000 đồng trở lên", anh Hoàng nói.
Để giảm rủi ro, nhiều người chấp nhận làm các đại lý cấp thấp hơn cho các cửa hàng lớn, nhận ăn chia phần trăm cố định trên doanh số, hoặc chỉ thu tiền đặt cửa hàng và tiền thuê người bán. Tỷ lệ chia phụ thuộc vào địa điểm cửa hàng, càng ở nơi có mặt bằng tốt, đại lý cấp hai sẽ được chia từ 3 đến 10% doanh số. Tuy nhiên, đối với những đại lý kiểu này, thời điểm doanh thu tốt nhất không phải là trước rằm, mà là bán bánh giảm giá sau Trung thu.
"Các đại lý cấp một thường chỉ bán lâu nhất là qua ngày 17/8 âm, nửa tháng sau là 'đất' dành cho các mối bán hàng giảm giá, hàng gia công. Bánh được đưa theo lô, từ vài nghìn đến vài chục nghìn một chiếc, đổ đống bán dần. Thông thường đại lý chấp nhận bán hàng sau Rằm được chia cao nhất là một nửa doanh số, nên đây mới là lúc thu nhập tốt nhất", chị Nguyễn Hằng, một đầu mối bán bánh trung thu tại phố Nối, Hưng Yên cho hay.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]