Từ cuối năm 2013, hơn chục con tàu đóng dở kèm nợ vay hàng nghìn tỷ đồng để đóng những tàu ấy của Vinashin, đã được công ty TNHH Vận tải biển Hoa Ngọc Lan (tỉnh Thái Bình) đề nghị mua lại. Và là mua lại... "cả mớ".
Tháng 10/2013, công ty Hoa Ngọc Lan đã họp cùng Vinashin, đề nghị mua lại 11 tàu biển hoàn thành, hoặc đang đóng dở dang tại các doanh nghiệp của tập đoàn. Trong đó, có 4 tàu chở hàng trọng tải từ 34.000 - 53.000 DWT, 1 tàu 16.800 DWT, 3 tàu container 700 TEU, 2 tàu container 1.730 TEU... Đây là những tàu đóng theo đặt hàng của Vinalines và các chủ tàu nước ngoài, nhưng đã bị chủ tàu từ chối nhận vì khủng hoảng vận tải biển thế giới.
Bí ẩn đại gia Hoa Ngọc Lan
Đề xuất cơ chế tài chính để mua tàu của công ty Hoa Ngọc Lan khá thú vị. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành bảo lãnh cho khoản thanh toán hợp đồng mua tàu trong thời hạn từ 5-10 năm, tùy theo giá trị đã hoàn thiện của từng dự án. Đồng thời, Công ty thu xếp phần vốn cần thiết để hoàn thiện nốt các tàu.
Trong tình thế nợ đầm đìa của mình, Vinashin thực tế không có nhiều chủ động để bàn về cơ chế tài chính với Hoa Ngọc Lan. Do thế, Vinashin đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Hoa Ngọc Lan và chỉ nhấn mạnh: "có ưu tiên đến các đơn vị mua lại tàu dở dang và hoàn thiện tiếp tại các đơn vị của Vinashin cũng như có nguồn vốn bảo đảm hoàn thiện sản phẩm". Đồng thời, Vinashin đề nghị Hoa Ngọc Lan làm việc với các tổ chức tài chính để có thỏa thuận cam kết tài trợ vốn, bảo lãnh thực hiện các dự án này.
Hoa Ngọc Lan là doanh nghiệp tư nhân duy nhất dám mua tàu có trong tải lớn nhất đóng trong nước.
Thực tế, hơn 4 năm trước (2010), công ty Hoa Ngọc Lan đã đàm phán mua con tàu 53.000 DWT (ký hiệu HR53-NT02) của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu đóng mới. Đây là tàu được đóng và hạ thủy từ năm 2007, nhưng chủ tàu Graig (Vương quốc Anh) không nhận tàu.Được biết, công ty Hoa Ngọc Lan ra đời đầu năm 2008, hoạt động trong ngành vận tải biển. Tuy nhiên, cho đến nay, đây là doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi "dám" đứng ra xử lý "cả mớ" tàu trị giá hàng nghìn tỷ đồng, kèm khối nợ vay đầu tư tương ứng của Vinashin
Giá mua tàu khi ấy là 33 triệu USD, tương ứng khoảng 627 tỷ đồng (tỷ giá 19.000 đồng/USD). Theo thỏa thuận, bên mua tàu có trách nhiệm làm việc với ngân hàng để cho Nam Triệu vay khoảng 150 tỷ đồng để hoàn thiện tàu... Hoa Ngọc Lan là doanh nghiệp tư nhân duy nhất dám mua tàu có trong tải lớn nhất đóng trong nước
Cùng thời điểm (tháng 10/2010) ký hợp đồng mua tàu, Hoa Ngọc Lan cũng được Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội ký hợp đồng cấp tín dụng tối đa 29,7 triệu USD để đầu tư mua tàu 53.000 DWT, thời hạn vay 8 năm, thế chấp bằng chính con tàu này...
Ngoài ra, Hoa Ngọc Lan cũng đề nghị mua 2 tàu xi măng có trọng tải 16.800 DWT và 22.000 DWT với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD. Và doanh nghiệp dự kiến có nguồn bảo lãnh là 8 triệu USD trong thời gian 10 năm, còn lại vay vốn thương mại.
Có thể thấy, trong khi Vinalines đang lúng túng xử lý khối nợ xấu tàu biển, khó tìm người mua, giá tàu sụt giảm... thì chỉ riêng Hoa Ngọc Lan đã xử lý được cả 11 con tàu giá trị lớn cho Vinashin. Nhưng doanh nghiệp này huy động vốn từ đâu để mua những tàu "nằm bờ" suốt thời gian dài của Vinashin hiện vẫn là.... bí ẩn.
Mua bán tít mù?
Theo tìm hiểu của PV, hiện có một nhóm công ty có liên quan tới nhóm Công ty Hoa Ngọc Lan để tham gia mua bán các tàu đóng dở dang, tàu hoàn thiện thuộc diện nợ ngân hàng.
Có thể điểm tên một vài công ty trong nhóm công ty này, như Mai Mai, Anh Anh, Ngọc Hiếu... Chẳng hạn, tháng 11/2011, 2 công ty có cùng địa chỉ trụ sở (tại số 364 đường 39B, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, Thái Bình) đã cùng ký hợp đồng mua thiết bị vật tư lắp đặt 2 tàu trọng tải 5.200 DWT, với tổng giá trị là 66 tỷ đồng (33 tỷ đồng/tàu).
Theo đó, công ty CP Vận tải biển và Thương mại Hàng Hải (do bà Nguyễn Quỳnh Mai là Chủ tịch HĐQT) đã mua của công ty CP Thương mại Mai Mai (Chủ tịch kiêm Giám đốc là ông Bùi Ngọc Hồng) 2 con tàu biển đóng dở tại doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Tuấn (tỉnh Nam Định). Đây là 2 con tàu đóng dở dang, nằm trong số hàng chục tàu của Công ty Cho thuê tài chính ALC 2 bàn giao lại cho Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) vì không trả được nợ.
Theo thỏa thuận hợp đồng, công ty Mai Mai sẽ tiếp tục thi công hoàn thiện 2 tàu, bàn giao cho bên mua trong năm 2012. Maritime Bank sẽ thực hiện giải ngân thanh toán cho Công ty Mai Mai theo tiến độ thi công. Và, chỉ riêng việc bán tàu với giá "vật tư, thiết bị" đã thu về khoảng 33 tỷ đồng, cao hơn số nợ vay ALC 2 phải trả.
Thực tế, trong khi thị trường vận tải biển khó khăn, tàu cũ ế ẩm, thì Maritime Bank vẫn khá "thành công" xử lý tàu biển cũ (trọng tải từ 3.000-5.200 DWT). Trong đó, có các tàu mang tên Maritime 36, 88, 69, 01... đã được bán "sang tay" với giá hơn 93 tỷ đồng (tàu Maritime 36), tàu Maritime 88 bán giá 69 tỷ đồng...
Mới đây, một công văn do ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank ký, khẳng định: ngân hàng đã nhận tài sản là các tàu biển để thay thế nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp có nợ xấu, nhằm xử lý nợ xấu, giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp, đưa các tài sản này ra kinh doanh khai thác...
Có thể thấy, với việc bán các con tàu qua tay các công ty khác, 3 năm qua, Maritime Bank đã giữ được khoản nợ "sạch" trên sổ sách. Thế nhưng, điều chưa được làm rõ là ngân hàng này đã tiếp tục cho vay bao nhiêu tiền để hoàn thiện các dự án tàu dang dở, trong tư cách của các chủ tàu mới?
Hàng chục con tàu nhận nợ từ 2 công ty ACL 1 và 2 cùng khối nợ để lại, phải "dọn dẹp" vẫn còn là điều bí ẩn với cổ đông của ngân hàng này.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]