Đó là kết quả chính trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động được Bộ Công Thương công bố trong một báo cáo tại hội nghị tổng kết diễn ra sáng 3/7 tại Hà Nội.
Bản báo cáo cho thấy nhờ tiêu thụ hàng hóa trong nước tăng nên Cuộc vận động đã góp phần làm giảm dần nhập siêu và đưa cán cân thương mại sang trạng thái xuất siêu.
Cụ thể, năm 2010, nhập siêu của Việt Nam đứng ở mức 12,3 tỷ USD (thấp hơn so với mức dự báo là 13,5 tỷ USD), bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, và thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%.
Năm 2011, tỷ lệ này là 9,89%, thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013, Việt Nam đã liên tục xuất siêu, trong đó năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, còn năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD.
Cuộc vận động đã giúp Việt Nam hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2013 ước đạt 2,62 triệu tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 (tính từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên 10% so với năm kế trước); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra là dưới 10%, CPI năm 2013 chỉ tăng 6,04%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Theo đánh giá, đến thời điểm giữa năm 2014, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại nhiều kết quả tích cực khác, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả Cuộc vận động trong những năm tiếp theo.
Một xu hướng đáng mừng được đánh giá hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng…
Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng tới 80-90%. Hệ thống siêu thị Big C có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước, tỷ lệ này tại hệ thống của Saigon Coop là 95% và tại hệ thống của Vinatex Mart là 100%. Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.
Theo một khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công Thương, Cuộc vận động đã giúp tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%.
Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Trong 5 năm (2009-2014), các Sở Công thương tỉnh và thành phố đã tổ chức được gần 2.000 đợt đưa hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương, doanh thu bán hàng đạt hơn 34,47 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cuộc vận động cũng gặp nhiều khó khăn như các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu; một bộ phận người dân vẫn sính hàng ngoại; nhiều địa phương chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng; nhiều hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả; phải cạnh tranh với cả hàng giả hàng nhái…
Để đẩy mạnh cuộc vận động trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại trong nước; nghiên cứu cải tiến chất lượng hàng hóa; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tuyên truyền phổ biến về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Nguoidonghanh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]