Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 7/7, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đưa ra đề xuất giảm giá cước thoại nhằm khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc sử dụng dịch vụ di động. Viettel đề nghị Bộ TT&TT cho áp dụng chính sách 1 giá cước không phân biệt nội mạng và ngoại mạng.
Hiện nay, mức cước chênh lệch nội mạng và ngoại mạng khoảng 12,6 %. Nếu Bộ TT&TT đồng ý cho Viettel áp dụng chính sách giá cước như cuộc gọi nội mạng cho tất cả các cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng thì trước mắt mỗi tháng Viettel bị giảm khoảng gần 80 tỷ đồng.
"Theo tính toán thì Viettel có thể sẽ mất khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu khi áp dụng mức giá chung này, nhưng điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Thực chất, việc thống nhất này cũng chính là giảm giá cước thoại", ông Hoàng Sơn cho hay.
Vẫn theo ông Hoàng Sơn, nguyên nhân để Viettel đưa ra kiến nghị này là nhằm kích thích tiêu dùng trong điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời để thuê bao sẽ không cần phải đắn đo nên gọi điện bằng mạng nào khi mức giá này đã được thống nhất.
Ngoài ra, áp lực của sự phát triển OTT cũng khiến nhà mạng này cho rằng, nên giảm giá cước thoại và cước tin nhắn, trong điều kiện người dùng có thể sử dụng các dịch vụ viễn thông truyền thống này qua một kênh miễn phí mà nhà mạng không thể kiểm soát được.
Viettel vừa đề xuất giảm giá cước (Ảnh: minh họa).
Lãnh đạo Viettel cũng đề nghị bộ nhanh chóng đưa ra văn bản để quản lý các doanh nghiệp OTT, đồng thời giữ nguyên mức cước data như hiện nay, bởi tốc độ tăng trưởng của thuê bao này đang khá tốt. Theo thống kê của Viettel, lượng thuê bao dùng data trong 6 tháng đầu năm tăng nhanh, khoảng 7 triệu người dùng, trong đó có 4,5 triệu thuê bao 3G.
Trả lời giới truyền thông về đề xuất của Viettel được giảm cước dịch vụ thoại, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết Bộ sẽ yêu cầu Viettel và các doanh nghiệp viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động. Đây sẽ là cơ sở để Bộ TT&TT phê duyệt các đề xuất của nhà mạng về điều chỉnh cước bởi giá cước phải được xây dựng trên cơ sở giá thành.
Trước đó, khi nhận định về xu hướng sử dụng dịch vụ di động của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của 3G trên thế giới. Trong 5 năm tới, dịch vụ data dần dần vượt lên thay thế các dịch vụ thoại, data sẽ vượt thoại cả về doanh thu và lưu lượng. Lúc đó các dịch vụ data mới là dịch vụ chính và là nguồn thu chính của các các doanh nghiệp chứ không phải dịch vụ thoại.
Vì vậy, Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đưa ra các gói cước đa dạng phù hợp với các đối tượng người dùng khác nhau trong xã hội. Thậm chí, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng nhấn mạnh các mạng di động cần nghiên cứu mô hình kinh doanh mới phù hợp như xu hướng miễn cước thoại và chỉ thu phí data. Đây cũng là mô hình mà nhiều nước trên thế giới bắt đầu áp dụng.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]