Những ngày này các quán chay luôn trong cảnh đông nghịt khách. Ảnh: M.Hạnh
Hàng mã bội thu
Trái ngược với tâm lý số đông, một số chủ hàng lại coi tháng 7 Âm lịch là cơ hội kiếm tiền rất tốt. Chị Nguyễn Thị Hà, phố Hoàng Công Chất (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bán đồ hàng mã cho biết: “Để chuẩn bị cho Rằm tháng 7, tôi đã chủ động chuẩn bị trữ hàng từ cách đó gần hai tháng. Các đồ mã như ngựa, thuyền… thì phải nhập khung về để khi bán thì lắp ráp dần, xếp gọn thì mới chất được nhiều đồ”. Cũng theo chị Hà thì chưa đến Rằm tháng 7 và cũng chưa đến ngày bắt đầu đốt mã mà chị đã bán vãn hàng, nhiều đồ mã tiếp tục được nhập về.
Bà Lê Thị Bình (phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có xưởng chuyên sản xuất đồ mã cho biết: “Bắt đầu từ tháng 4 Âm lịch là xưởng tôi đã bắt đầu chạy đua tốc lực làm đồ mã cho tháng 7. Tôi phải lấy thêm 15 người làm, tất cả là 30 người mới đáp ứng đủ đơn đặt hàng, mà chủ yếu là làm máy chứ không phải làm thủ công như trước. Hàng sản xuất ra đến đâu là các đại lý đến lấy hết đến đó. Một ngày làm miết từ sáng đến tận 21- 22h đêm mệt lử người mà nhiều lúc khách vẫn chê chậm tiến độ. Một năm “gặt hái” được có vài vụ nên phải cố sức để làm”.
Đồ chay cũng là một trong những mặt hàng đắt khách nhất trong tháng này. Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ quán ăn chay phố Lê Ngọc Hân (Hà Nội) chia sẻ: “Lượng khách đến đông gấp 5 - 6 lần các tháng trước. Khách đặt cỗ về nhà cũng cao gấp 3 lần. Để chủ động nguyên liệu tôi đã phải liên hệ đặt trước, thuê thêm người làm, thậm chí có những ngày phải huy động cả người nhà, bạn bè thân quen tới giúp mới đủ người phục vụ khách”.
Theo chị Hồng thì giá một mâm cỗ chay từ 550.000 -1,2 triệu đồng, rất nhiều gia đình đặt 5-6 mâm trong ngày lễ. Hiện tại với đơn hàng mà chị nhận được khiến nhà hàng của chị sẽ quá tải trong các ngày 10, 11, 12, 13 tháng 7 Âm lịch. Cao điểm nhất là ngày 12, lên tới 80 mâm. Chưa kể ngày hôm đó, chị vẫn phải làm hàng phục vụ khách tại quán.
Trên thị trường, hiện cơm chay đĩa có giá từ 40.000- 90.000 đồng/suất, những món chay có giá bình quân từ 30.000- 120.000 đồng/đĩa tùy theo nhà hàng và nguyên liệu món. Tháng 7 Âm lịch này, giá buffet tại các nhà hàng giao động từ 120.000- 250.000 đồng/người tùy nơi. Có khá nhiều khuyến mãi giảm giá từ 20-30% khi khách hàng đặt mua cho số lượng trên 10 hay 20 người ăn.
Cúng thuê đắt khách
Dịch vụ khấn, cúng thuê cũng “hót” và kiếm bộn trong tháng này. Trong vai một người đi tìm thầy cúng Rằm tháng 7, chúng tôi đến nhà bà Lan, lập điện thờ tại nhà ở xóm Trại (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chúng tôi vừa ngỏ ý nhờ bà đến cúng hộ trong ngày 13/7 Âm lịch thì bà xua tay: “Bây giờ mới tìm đến cửa thầy mà còn đòi chọn ngày thì không được đâu. Thầy kín lịch lắm rồi. Để thầy chọn may ra còn xếp được”. “Vậy ngày nào thì thầy có thể cúng hộ được ạ?”. “Sáng sớm ngày 12 nhé. Phải chuẩn bị lễ thật sớm, 5h sáng tôi đến là đã sắp sẵn hết rồi, cúng hơn 1 tiếng là xong, tôi lại phải đi đám khác”. “Thầy cho hỏi chi phí cảm ơn thầy thế nào để chuẩn bị cho chu đáo ạ?”. “Nhà ngay đường K3 đúng không, vì gần đây nên thầy ưu ái lấy 1,5 triệu đồng, còn bình thường là 2 triệu đấy”…
Chị Hà Thùy Linh (phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở: “Cúng Rằm tháng 7, đồ lễ tôi đã sắm đủ cả nhưng không thạo việc khấn vái nên tôi muốn nhờ thầy khấn hộ nhưng đi 3 thầy rồi mà vẫn bị từ chối vì kín lịch. Tôi sẽ tìm thêm một vài thầy nữa, nếu vẫn không nhờ được thì đành khấn nôm theo tâm nguyện của mình vậy, thành tâm là chính mà”.
Một mặt hàng có vẻ mới lạ nhưng cũng bội thu không kém trong “Tháng cô hồn”, đó là những cửa hàng bán đồ trừ tà, đuổi ma. Anh Trịnh Văn Tâm, chủ cửa hàng bán phụ kiện đồ thờ Hồng Tâm (phố Hàng Mã, Hà Nội) cho biết: “Ngoài những đồ trừ tà truyền thống như gương bát quái, chuông la bàn bát quái, kim nguyên bảo (thỏi vàng) đặt trong bàn thờ thần tài ngụ ý sinh vượng tài, lục đế tiền cổ (loại tiền giả cổ ngoài tròn giữa có lỗ vuông)… thì nhà tôi đang bán chạy nhất là vòng gỗ dâu tránh tà cho bé, chủ yếu bán cho khách quen hoặc người được giới thiệu. Giá một chiếc vòng từ 20.000- 25.000 đồng, mỗi ngày tôi bán được từ 30- 50 chiếc. Các bé được đeo vòng dâu này thì đi chơi đâu trong tháng 7 cũng không sợ vì ma tà rất kỵ loại vòng này. Hơn nữa, đeo chiếc vòng này thì bé cũng ăn ngon, ngủ khỏe, đêm không bị giật mình hay quấy khóc”(?).
Những cửa hàng bán trái cây có nhiều loại quả hợp với việc cúng bái trong tháng 7 Âm lịch cũng bán khá chạy. Những loại quả thường được ưu chuộng chọn làm đồ cúng trong tháng này gồm: thị, trứng gà, chuối ngự, ổi đào, lê, táo… Ngoài đồ cúng lễ, những động vật chim, cá, cua, ốc, ếch… nhiều nơi bày bán để phục vụ nhu cầu cúng lễ phóng sinh cũng được được kỳ vọng là sẽ bán rất chạy.
Việc cúng lễ, ăn chay đã trở thành nét đẹp văn hóa thể hiện sự thành kính, đạo hiếu nghĩa với cha mẹ, tổ tiên và theo lời khuyên của các cao tăng đắc đạo thì hãy thành tâm, tự mình khấn nôm thay vì thuê mướn khó thể hiện lòng thành. Tất cả đều do lòng thành, nếu đem tiền của để phí phạm vào những việc kể trên thì dù có đốt trăm ngàn tờ giấy bạc, nhà lầu, xe hơi cũng chỉ vô ích mà thôi!
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]