Cuối tháng 3/2018, thí sinh cả nước sẽ bắt đầu đăng ký nguyện vọng, nộp hồ sơ dự kỳ thi THPT quốc gia. Đến nay, nhiều thí sinh băn khoăn giữa con đường đại học và học nghề.
Học trường "top" chưa chắc có việc làm
Bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty tuyển dụng Navigos Search - chia sẻ với VTV thông tin về tỷ lệ thất nghiệp hiện nay. Thống kê của nữ giám đốc đưa ra cho thấy số sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học không có việc làm cao gấp 5 lần sinh viên đến từ trường nghề.
Thực tế, nhiều sinh viên có tấm bằng đại học trên tay không đồng nghĩa với cơ hội việc làm như ý. Trong khi đó, các sinh viên trường nghề, cao đẳng, trung cấp kỹ thuật vẫn có nhiều khả năng tìm kiếm được việc làm tốt, đảm bảo về mặt tài chính.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tấm bằng đại học hay bằng cấp khác không có ý nghĩa khi tham gia thị trường lao động.
“Các nhà tuyển dụng có quan tâm đến bằng cấp không? Xin thưa là có. Nhưng họ quan tâm đến chất lượng bằng cấp đó như thế nào chứ không quan tâm bằng của bạn là cao đẳng hay đại học, kỹ thuật nghề”, bàn Lan nói.
Theo bà Lan, các nhà tuyển dụng sẽ quan tâm năng lực của ứng viên có thể đáp ứng được yêu cầu công việc hay không, khả năng bắt nhịp với môi trường công việc ra sao và thái độ trong công việc như thế nào.
Một thực tế đáng buồn rằng phần lớn sinh viên ra trường hiện nay không đáp ứng được những yêu cầu này của nhà tuyển dụng. Muốn sử dụng được lực lượng lao động, các doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo lại từ đầu, kể cả những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu.
Một trong những vấn đề đầu tiên mà các doanh nghiệp phải đào tạo lại cho sinh viên là ý thức trong công việc. Nhiều đơn vị tuyển dụng cho biết ý thức của những sinh viên mới ra trường kém. Sinh viên bước ra từ những trường có tiếng ở Hà Nội hoặc TP.HCM thường mắc tâm lý tự kiêu và có phần ảo tưởng.
“Các bạn cho rằng năng lực của mình rất tốt, có thể làm bất kỳ công việc gì mà nhà tuyển dụng yêu cầu nhưng thực tế cho thấy khi giao việc thì các bạn thiếu sự hỗ trợ, phối hợp với phòng ban, thiếu tinh thần học hỏi và cầu tiến”, bàn Lan thông tin.
Do đó, nhiều công ty ngầm quy định tránh tuyển những sinh viên từ những trường này, mặc dù đây là những cơ sở tên tuổi trên thị trường giáo dục. Điều này có nghĩa học tại một trường đại học thuộc hàng top, có danh tiếng cũng chưa chắc có việc làm tốt.
Nhóm ngành công nghệ lên ngôi
Cuộc cách mạng 4.0 đang dần len lỏi vào những ngóc ngách của cuộc sống con người. Thời đại công nghiệp, công nghệ số sẽ tạo ra sự thay đổi cực kỳ lớn trên thị trường lao động.
"Thời điểm này có khoảng 60% công việc mới ra đời so với trước năm 2000. Đó là những công việc đòi hỏi tính kỹ thuật cao. Nếu sinh viên chỉ học những môn truyền thống trong nhà trường, các bạn sẽ không đáp ứng được nhu cầu công việc", bà Lan cho hay.
Ngành học liên quan công nghệ sẽ lên ngôi Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, những công việc liên quan công nghệ sẽ cần nguồn nhân lực lớn trong cuộc cách mạng 4.0.
Ví dụ về lĩnh vực may mặc, da dày, trước đây, các công ty nước ngoài vào nước ta rất nhiều, đặt trụ sở, nhà máy tại Việt Nam để có được nguồn nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, toàn bộ hệ thống sản xuất đã được thay thế bằng robot. Doanh nghiệp không cần nhân công trực tiếp tham gia sản xuất từng chi tiết nhỏ như trước, trong khi máy móc có thể làm tốt hơn.
Từ đó thấy rằng cuộc công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ thay đổi rất nhiều, từ công việc đến đào tạo, ngành nghề trong tương lai. Theo dự đoán của bà Lan, những ngành liên quan công nghệ sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn, có cơ hội việc làm cao, ổn định.
"Công nghệ ở đây được hiểu là những ngành liên quan IT, công nghệ nano, công nghệ sinh học hoặc nông nghiệp bền vững. Những gì liên quan công nghệ chắc chắn sẽ được chào đón", bà Lan dự báo.
Từ đó, nữ giám đốc khuyên học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời hãy chọn công việc mình đam mê.
"Không phải tất cả cánh cửa mở ra cho tương lai các bạn đều phải đi qua cổng trường đại học. Nhiều cơ sở có cơ chế đào tạo, liên kết tốt giữa nhà trường và doanh nghiệp vì thế 100% các bạn đi ra từ trường nghề vẫn có công việc với mức thu nhập trung bình và trung bình khá trong xã hội", bà Lan nói.