Đó là phát biểu của ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) trong phiên họp của Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 27/2, được trích dẫn bởi Báo điện tử Công thương.
CPI tăng thấp trong 10 năm
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 chỉ tăng 0,55% so với tháng 1 và tăng 1,24% so với tháng 12/2013. So sánh cùng kỳ, thì CPI tháng 2/2014 chỉ tăng 4,65%, tạo nên kỷ lục về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Báo điện tử Công thương dẫn lời ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, sở dĩ CPI tăng thấp do tháng 2, thời tiết thuận lợi, nguồn cung lương thực, thực phẩm nhất là rau quả rất dồi dào, giá cả không tăng cao.
CPI tăng thấp nhất trong 10 năm qua (Ảnh: Đầu tư CK).
Bên cạnh đó, do dự báo trước được tình hình giá cả thường tăng vào dịp Tết do khan hiếm hàng nên Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, tạo tâm lý ổn định cho thị trường và giảm thiểu hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa trong dịp Tết. Theo báo cáo của 60/63 địa phương gửi về Bộ Công Thương, Tết Giáp Ngọ 2014 đã có 42/63 địa phương thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.
Một nguyên nhân quan trọng khác làm CPI tăng thấp là do mức thu nhập người dân không cao, nhu cầu tiêu dùng cũng không tăng mạnh như năm trước. Sức mua chỉ tăng mạnh vào ngày 23 tháng Chạp, những ngày cận Tết.
Tuy CPI tháng 2 có mức tăng thấp nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm vẫn đạt 474.086 tỷ đồng, tăng 11,59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các nhóm đều tăng từ 10-20% so với năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đàu năm tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá tốt so với nhiều tháng trở lại đây.
CPI tăng thấp: Mừng hay lo?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ số CPI thấp, cho thấy tổng cầu đầu tư và tổng cầu tiêu dùng đều thấp. Điều này vừa đáng mừng, vừa đáng lo. Trong đó, mừng thì ít, lo thì nhiều, bởi vì sức mua giảm không phải do năng suất, giá thành hạ, mà là do thu nhập của người lao động thấp. Điều này thể hiện nền kinh tế vẫn đang ở giai đoạn cầm cự là chính. Thách thức phía trước của nền kinh tế còn rất lớn. Vì thế, mặc dù chỉ số giá thấp, nhưng đây là một sự cảnh báo, thách thức đối với Chính phủ là làm sao để tăng sức mua của người dân.
Trả lời trên tờ Thời báo Tài chính, chuyên gia kinh tế - PGS TS. Ngô Trí Long cho rằng, CPI tăng thấp cho thấy lạm phát đang trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện sức mua giảm.
"Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào bức tranh kinh tế còn khá mù mịt, họ chưa nhìn thấy "điểm sáng" của nền kinh tế. Vì thế họ chỉ mua sắm những sản phẩm hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm dùng cho ngày Tết. Chúng ta phải tạo được niềm tin với người dân, để họ không chỉ mua các sản phẩm có giá trị thấp, cho tiêu dùng hàng ngày, mà mua cả những mặt hàng trung, cao cấp có giá trị sử dụng lâu dài" - ông Long nói.
CPI tăng thấp thể hiện sức mua giảm (Ảnh minh hoạ).
Trong khi đó, trong một bài viết có tựa đề "Bắt mạch chỉ số CPI" được đăng trên Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc giảm giá sau Tết năm nay dù bất thường về xu hướng so với các Tết trước, nhưng là bình thường về nguyên nhân.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc giảm giá hiện nay ít nhiều phản ánh tổng cầu ít thay đổi trong dịp Tết, khiến sức mua thị trường còn yếu gắn với thực tế kinh tế còn khó khăn, thu nhập hạn chế, người dân vẫn còn giữ tâm lý chờ đợi và chi tiêu thận trọng.
Hơn nữa, tâm lý mua sắm tích trữ đồ ăn ngày tết đang giảm dần trong dân, nên không có nhiều sự đột biến cầu ngày tết, kiểu “no dồn đói góp” như trước đây. Ngoài ra, việc tranh thủ tăng giá kiểu “té nước theo mưa” trước tết cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc giảm giá hàng sau tết, theo quy luật cung-cầu.
"Tóm lại, những tháng đầu năm 2014, động thái chỉ số CPI dù có dấu hiệu bất thường và khá thấp, song không đáng ngại quá mức, mà còn là bằng chứng về thành công trong kiềm chế CPI theo mục tiêu Chính phủ đặt ra..." - TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
Tuy vậy, cùng theo TS Nguyễn Minh Phong, áp lực CPI cả năm 2014 sẽ còn khá cao, nhất là những tháng cuối năm. Giảm giá luôn có lợi cho người tiêu dùng và công tác kiểm soát lạm phát, dù có thể bất lợi cho người sản xuất và ức chế động lực tăng trưởng chung.
Theo Thành Vũ (tổng hợp) - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]