Việc thu mua bông thanh long chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ là ngừng khiến nông dân rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi đã lỡ cắt tỉa hàng tạ bông đem bán. Nhiều người đành chở về đổ.Không ai biết rõ bông thanh long sẽ được sử dụng để làm gì, nhưng tại xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đang có khoảng 10 điểm thu mua loại này. Những điểm thu này đều treo bảng ghi rõ "Thu mua búp thanh long trước trổ 1 ngày - giá 3.500 đồng/kg". Các điểm này là vệ tinh, thu mua cho cơ sở sản xuất bông thanh long Hoa Bá Vương.
Điều đáng chú ý là việc thu mua chỉ diễn ra chớp nhoáng trong ngày và thời gian mua hàng khá giống nhau tại các điểm. Bà Phan Thị Ẩn, người trồng thanh long tại thôn Ninh Thuận, xã Hàm Chính, cho biết: "Nghe tin có chỗ thu mua búp thanh long trước trổ 1 ngày, nhà tôi tranh thủ tỉa bông và thu gom được 18 bao tải búp, tổng cộng hơn 4 tạ. Nhưng khi chở đến nơi thì nhận được thông báo đã ngừng thu. Tôi hỏi đại lý mới biết là hàng ngày, sau khi mở cửa, các điểm này chỉ thu mua khoảng 2 tiếng đồng hồ là đủ số lượng và không mua nữa. Những người lỡ cắt bông thanh long như tôi có chạy đến các điểm bán khác cũng được trả lời như vậy, nên đành mang về đổ rác".
Thời điểm này, thanh long đang vào chính vụ nên giá bông các điểm này thu mua chỉ có 1.800 đồng/kg, mùa chong điện mới có mức giá 3.500 đồng. Nông dân trồng thanh long khu vực này còn cho biết, cứ mỗi một lứa thanh long, các điểm này chỉ thu mua đại trà một ngày với số lượng nhất định. Bà Chẩn, chủ quán tạp hóa, kiêm làm đại lý thu mua bông thanh long ở Hàm Chính cho biết: "Gần đây mỗi khi đến ngày thanh long trổ bông, người dân lại mang đến bán rất nhiều, nhưng mỗi đại lý như tôi chỉ được thu 1 đến 2 tấn. Nhiều lúc đang mua mới 500kg, cơ sở sản xuất gọi điện báo đã đủ số lượng, buộc chúng tôi phải ngừng".
Cơ sở sản xuất Hoa Bá Vương đóng tại thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc là điểm điều phối mọi hoạt động thu mua bông thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đứng tên kinh doanh là người Việt, nhưng thực tế điều phối mọi hoạt động sản xuất là một người Trung Quốc tên A Vinh.
Và việc thu mua ở đây không thực hiện thường xuyên, cơ sở liên tục để bảng báo "Tạm ngưng thu" nhiều ngày nay.
Ngày thường bên trong xưởng khá vắng, chỉ có lò sấy là hoạt động.
Khu vực sản xuất có 7 đến 10 công nhân làm việc chẻ bông và thu gom bông sau khi sấy.
Một công nhân ở đây cho biết : "Sau khi thu mua, bông thanh long sẽ được chuyển vào các kho lạnh để sản xuất từ từ. Buổi sáng công việc của chúng tôi thường là gom bông đã sấy, còn việc chẻ bông được thực hiện vào buổi chiều, khi các xe gom ở các nơi đổ về. Nhưng không phải ngày nào cũng làm".
Thanh long từ lúc ra nụ đến khi nở hoa mất 18 ngày, và hầu như sẽ nở đồng loạt tại tất cả các vườn. Do vậy, vào thời điểm bông nở cũng là lúc các chủ vườn tranh nhau cắt bông bán, dẫn đến việc hàng loạt người đành mất công cắt, chở đến nơi rồi chở về đổ rác, vì việc thu mua chỉ diễn ra chớp nhoáng, khó hiểu.
Một lô búp thanh long vừa ra khỏi lò sấy. Theo công nhân làm việc ở đây, bông thanh long sau khi thu mua sẽ được chẻ ra làm đôi và sấy khô từ 6 - 30 tiếng.
Việc sơ chế này được thực hiện khá đơn giản, bông chẻ đôi sẽ đặt trên những khung lưới sắt rồi cho vào lò sấy khô.
Thường 11 kg búp thanh long tươi sau khi sấy sẽ ra 1 kg thành phẩm. Do không biết bông thanh long được thu mua, sấy khô để làm gì nên người dân ở đây đang đồn thổi về công dụng của loại này, như làm thuốc; làm thực phẩm với kiểu ăn như măng, nấu canh...
Những bao thanh long khô này đang chuẩn bị xuất đi Trung Quốc. Dù cơ sở này hoạt động gần 4 năm nay, nhưng từ người đứng tên chủ cơ sở, người dân xung quanh cho đến chính quyền địa phương vẫn không biết được thực sự người Trung Quốc thu mua bông thanh long và sấy khô để làm gì.
Theo một chuyên viên của Trung tâm Thanh long Bình Thuận, nuôi thanh long từ lúc ra nụ đến bắt đầu nở hoa cây tốn dinh dưỡng nhiều hơn so với nuôi trái, do vậy người dân cũng ý thức rất rõ việc này và không hái bán bông thanh long bừa bãi. Thường thì bà con chỉ tỉa bớt số bông quá nhiều trên một nhánh, hoặc những bông đậu trong quá trình gặp bệnh trên cây như bệnh đốm trắng. Tuy nhiên, số lượng này cũng không ít. Cứ 1ha thanh long trong một đợt ra trái thì số lượng bông cắt đi khoảng 1 tạ, còn nếu gặp bệnh thì phải bỏ đi từ 3-4 tạ. Điều bà con bức xúc nhất là chuyện thu mua không rõ ràng, thu mua bí ẩn, chớp nhoáng khiến nhiều người tốn công cắt bông, mất thời gian chở đến nhưng không bán được lại phải chở ngược về đổ rác.
Theo Zing.vn