Chiều 2/6, tin tức từ Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định trong năm nay điện không thiếu. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN phải đảm bảo cung ứng đủ điện, không để tình trạng mất điện, trừ trường hợp biến cố. "Trước mắt giá điện chưa tăng, nhất là trong thời điểm nắng nóng và thi cử hiện nay", ông Hải khẳng định.
Liên quan đến giá điện, ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định 28/2014/QĐ-TTG về cơ cấu giá bán lẻ điện và áp dụng từ 1/6/2014. Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia ra thành 6 bậc thang, thay vì 7 bậc như trước kia.
Cụ thể, bậc 1 là mức sử dụng từ 0-50 kWh có giá 1.388 đồng/kWh; bậc 2 từ 51-100 kWh có giá 1.433 đồng/kWh; bậc 3 từ 101-200 kWh có giá 1.660 đồng/kWh; bậc 4 từ 201-300 kWh giá 2.082 đồng/kWh; bậc 5 từ 301-400 kWh có giá 2.324 đồng/kWh và bậc 6 từ 400 kWh trở lên có giá 2.399 đồng/kWh.
Như vậy, từ 0-50 kWh chỉ bằng 92% so với mức giá cũ; từ 51-100 kWh là 95%; từ 101-200 kWh là 110%; từ 201-300 kWh là 138%; từ 301-400kWh là 154% và trên 401 kWh là 159%.
Thay đổi này khiến nhiều người lo ngại giá điện có thể tăng.
Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định không điều chỉnh giá điện lúc này. Giải thích rõ hơn vấn đề này, ông Đinh Văn Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, nhằm hướng dẫn quyết định 28/2014/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính Phủ, ngày 29/5 Bộ Công Thương đã ban hành thông tư số 16/2014/TT-BCT quy định chi tiết về giá bán điện.
Thực tế, việc ban hành thông tư này theo ông Phúc không có nghĩa là tăng giá điện như phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng. Hiện mức bán lẻ điện bình quân vẫn là 1.508,85 đồng/kWh. Theo cơ cấu biểu giá mới, giá điện sinh hoạt và kinh doanh giảm. Với sản xuất, không phải giờ cao điểm, giá điện cũng không tăng. Giá điện cho các huyện đảo từ 1/6 được áp dụng như đất liền thay vì cao hơn so với trước kia. "Giá điện không điều chỉnh nên không ảnh hưởng tới CPI", ông Phúc khẳng định.
Bên cạnh đó, quyết định mới cũng quy định, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 0-50 kWh. Các hộ chính sách xã hội và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh cũng được hỗ trợ tiền như các hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định.
"Hoàn toàn không có sự điều chỉnh giá bán điện, việc điều chỉnh cơ cấu điện có mức tăng mức giảm cho điện sinh hoạt, còn sản xuất trong các giờ bình thường sẽ không tăng. Hơn nữa, giá điện cho người dân ở biển đảo cũng được hưởng ngang bằng như ở đất liền," ông Đinh Văn Phúc cho hay.
Thông tin thêm về việc cung cấp điện cho năm 2014, ông Phúc cho biết, ngoài việc chuẩn bị kế hoạch từ năm 2013 thì ngày 21/5 Bộ Công Thương đã có chỉ thị số 17/CT-BCT yêu cầu EVN thường xuyên theo dõi tăng trưởng phụ tải và thủy văn để đáp ứng yêu cầu phát điện. Bên cạnh đó, huy động các nhà máy điện chạy than và dầu sẵn sàng cung ứng trong trường hợp căng thẳng nhằm đảm bảo đủ điện cho năm 2014.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, điện sản xuất của cả nước tháng Năm ước đạt 12,1 tỷ kWh, tăng 10,5% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, điện sản xuất ước đạt 54,42 tỷ kWh, tăng 11,1% so cùng kỳ. Công suất cực đại trong tháng 5 đạt 22.121 MW vào ngày 21 tháng 5.
Tỷ lệ nguồn phát điện trong tháng Năm từ thủy điện chiếm 38,5% trong khi từ nguồn tuabin khí là 33% và từ nhiệt điện than là 26,5%.
"Hiện Tập đoàn điện lực Việt Nam đã chuẩn bị các phương án phát điện cho mùa khô và cả năm 2014, nhằm đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]