Việc chủ động giảm dần đang được phần lớn doanh nghiệp xác định rõ ràng trong kế hoạch tái cơ cấu nguồn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của mình trong thời gian tới.
Tính toán theo lộ trình
Để sản xuất gần 3 triệu đôi giày xuất khẩu trong năm 2014, ông Nguyễn Chí Trung - tổng giám đốc Công ty cổ phần giày Gia Định - khẳng định hơn 60% nguyên phụ liệu (NPL) sản xuất đều phải nhập từ Trung Quốc. “Có những mã hàng chúng tôi nhập một số chủng loại từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh nhưng rất ít, không đáng kể” - ông Trung xác nhận.
Là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm trong 10 năm gần đây (riêng năm 2013 chỉ tăng 15%), nhưng ông Lê Quang Hùng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn - xác nhận trong kim ngạch xuất khẩu 60 triệu USD đặt ra của năm 2014: “Dù 100% đơn hàng làm theo phương thức FOB nhưng có đến 90% nguồn NPL sản xuất đều do nhà đặt hàng chỉ định mua, phần lớn là từ Trung Quốc. 10% còn lại chúng tôi tự chủ động nguồn cung NPL do làm theo phương thức ODM (tự thiết kế, sản xuất)”.
Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) kiêm phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), các doanh nghiệp trong nước hiện phụ thuộc rất lớn nguồn cung từ Trung Quốc là vải và NPL các loại. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu 13,54 tỉ USD của ngành dệt may năm 2013, Việt Nam đã chi hơn 8 tỉ USD để nhập khẩu vải, trong đó nhập từ Trung Quốc chiếm đến 48% trong tổng giá trị nhập khẩu.
Ông Kiệt cho rằng có một thực tế không thể phủ nhận là do việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước quá kém nên việc chuyển tìm nguồn NPL thay thế từ nước khác, nhất là khi một số chủng loại hầu như phải nhập toàn bộ từ Trung Quốc như thuốc nhuộm, hóa chất, phụ liệu trang trí... đòi hỏi phải có lộ trình.
Hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày đều cho rằng để phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, một trong những giải pháp quan trọng từ lâu đã được xác định là phát triển công nghiệp hỗ trợ cho dệt may và da giày. Thế nhưng, dù chính sách phát triển đã có từ hàng chục năm qua nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
“Hai khu công nghiệp tập trung để sản xuất NPL đặt ở phía Bắc và Nam, dù đã được lên kế hoạch từ 10 năm trước, đến nay vẫn chỉ là kế hoạch” - ông Kiệt buồn bã nói. Ở lĩnh vực đầu tư “nền” cho hai ngành là dệt nhuộm và thuộc da, hai lĩnh vực được cho là “khó nhai khó nuốt” thì các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều không dám “nhảy” vào do nguồn tài chính quá hạn hẹp.
Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam có năng lực sản xuất vải nhưng đầu tư vào dệt nhuộm quá yếu, dẫn đến việc phải xuất vải thô, rồi lại nhập vải thành phẩm về để xuất khẩu. “Nghịch lý này tồn tại lâu nay nhưng thật sự vẫn chưa có cơ chế đủ hấp dẫn để tháo khó cho nhà đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Kiệt nhấn mạnh.
Tự xoay xở...
Trong khi chờ đợi chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may và da giày, một số doanh nghiệp đã “tự xoay xở” đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Theo ông Trần Quang Nghị - tổng giám đốc Tập đoàn Vinatex, để chủ động nguồn cung NPL, định hướng phát triển của Vinatex trong thời gian tới đã và đang tập trung khá mạnh vào lĩnh vực sợi, dệt, kể cả nguyên liệu mới (xơ viscose, len...) từng bước giảm nhập khẩu.
Trong chín dự án đang và sắp triển khai với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.000 tỉ đồng, Vinatex sẽ bổ sung hơn 40.000 tấn sợi/năm và 20 triệu mét vải/năm so với năng lực hiện tại kể từ năm 2015 trở đi. Tập đoàn nhà nước này cũng có kế hoạch với hơn 10.000 tỉ đồng đầu tư vào các dự án nguyên liệu mới và nguyên liệu nguồn trồng bông, trồng cây bạch đàn để làm bột gỗ DWP dùng sản xuất xơ viscose, len lông cừu từ đây cho đến năm 2020 cũng chỉ nhằm mục tiêu giảm bớt sự chi phối từ nguồn cung NPL bên ngoài đang ngày một khó kiểm soát.
Một số doanh nghiệp ngành may mặc còn cho rằng nâng chất và phẩm cấp hàng xuất khẩu là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động chuẩn bị để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung NPL từ Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo ông Lê Quang Hùng, thay vì hài lòng và chấp nhận chủng loại xuất khẩu như hiện tại, các doanh nghiệp cần hướng tới việc nâng cao năng lực sản xuất, tay nghề người lao động, đầu tư hạ tầng chuyên sâu để thu hút được nhà đặt hàng đặt các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Đồng thời xúc tiến phát triển thị trường ngách ngoài những thị trường truyền thống (thường lệ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc), như Nga và các thị trường có các hiệp định thuế quan sắp ký trong thời gian tới, vì những thị trường này không quá cầu kỳ về mẫu mã và cũng không bị nhiều khả năng chỉ định nguồn cung NPL.
Mặt khác, theo ông Ngô Đức Hòa - phó tổng giám đốc Tổng công ty dệt may Thắng Lợi, các doanh nghiệp có thể tận dụng lại chính thị trường Trung Quốc để xuất khẩu những sản phẩm có khả năng cạnh tranh như xơ, sợi dệt các loại. Bốn tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc đạt gần 400 triệu USD, tăng hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái và gần bằng một nửa của tổng kim ngạch 900 triệu USD đạt được trong năm 2013.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]