Chợ họp ở hành lang công ty
Chị Nguyễn Thùy Linh, nhân viên kế toán công ty, kể rằng cách đây hơn hai tháng, một chị đồng nghiệp có giới thiệu về hợp tác xã trồng rau sạch trên Ba Vì. Chủ hợp tác xã lại là bà con xa với chị nên mọi người có thể yên tâm, không lo bị trà trộn rau bẩn. Nếu có nhu cầu, hợp tác xã sẽ cho người chở rau đến tận cơ quan để phục vụ chị em.
Ban đầu, hợp tác xã cử nhân viên mang rau đến cho chị em ăn thử. Thấy mọi người ưng ý nên cứ chiều thứ hai, tư, sáu hàng tuần, họ chở rau sạch đến bán ở hành lang công ty. Rau ở đây rất phong phú, từ muống, mùng tơi, cải, ngót, bầu, bí, cà chua, cà tím... đến các loại gia vị. Chỉ trong vòng nửa tiếng, các loại rau được bán hết sạch. Hầu hết chị em đều chọn mua vì tiện.
Tương tự, chị Hoàng Thị Oanh, nhân viên một ngân hàng trên đường Trần Hưng Đạo, cũng cho biết, gần đây chị em trong cơ quan không còn phải đội nắng đi chợ mua rau nữa. “Có một công ty chuyên cung cấp rau sạch ngay cạnh cơ quan, cứ vào buổi chiều là họ lại mang sang bán cho chị em”, chị Oanh cho hay.
Chị Đào Thị Liên, nhân viên một công ty công nghệ thông tin trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) chia sẻ, tại khu đô thị Mỹ Đình nhà chị, cứ 6h sáng hàng ngày, trại rau sạch lại cho người chở rau tới tận sân chung cư để bán.
“Những ngày đầu tiên, họ đi từng nhà gõ cửa mời mua rau sạch. Một thời gian sau, khi mọi người quen rồi thì họ chở rau đến tận sân chung cư, các hộ gia đình tha hồ chọn lựa”, chị nói.
Lượng bán gấp đôi, gấp ba cửa hàng
Nắm bắt được nhu cầu cần mua rau sạch của chị em công sở và để phục vụ khách hàng tốt hơn, nhiều đơn vị kinh doanh đưa rau sạch vào tận các cơ quan thay vì chỉ bán ở cửa hàng.
Anh Đặng Ngọc Vượng, đại diện cho Công ty cổ phần khoa học công nghệ IRRD thuộc Viện nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ KH-CN) cho biết, công ty có 5 ha diện tích trồng rau an toàn tại xã Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, để tiêu thụ được hết số rau thu hoạch được, ngoài việc đầu tư mở cửa hàng, công ty còn chở rau đến tận cơ quan bán cho chị em công sở.
Hình thức này mang lại hiệu quả khá cao, lượng rau bán ở công sở thường cao gấp đôi, gấp ba lần lượng rau bán ra tại cửa hàng, đồng thời chi phí cũng thấp hơn nhiều.
Anh Vượng giải thích, để mở một cửa hàng bán rau trên các phố ở Hà Nội, cần chi rất nhiều: chi phí thuê cửa hàng, nhân viên bán hàng, đầu tư quầy kệ, kho lạnh bảo quản... mất khoảng 15 triệu đồng/tháng. Muốn tồn tại được, mỗi ngày cửa hàng phải bán được ít nhất 2 tạ rau mới đủ chi phí. Trong khi đó, chở rau đến công sở bán chỉ tốn tiền vận chuyển, lại có nguồn khách dồi dào hơn rất nhiều.
Với cách bán hàng này, một số cơ quan có đặt hàng theo từng ngày, số khác công ty sẽ đem rau đến cho họ chọn lựa. Trung bình mỗi cơ quan tiêu thụ khoảng 30-50 kg rau các loại.
Hiện công ty anh Vượng cung cấp rau cho các cán bộ công nhân viên của Viện nghiên cứu và phát triển vùng, một số ngân hàng như SHB, VPBank, BIDV, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, Công ty cổ phần XNK Techinimex, một số nhà trẻ, các gia đình thuộc quận Ba Đình (Hà Nội)...
Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ trại rau sạch ở Gia Lâm cũng cho hay, mới đầu anh chỉ bán rau sạch online nhưng không mấy hiệu quả, ít khách đặt mua. “Sau đó, tôi thử đi đến các công sở, khu chung cư mời chào, giới thiệu. Nếu họ thích có thể tổ chức thăm quan trại rau sạch của tôi bất cứ lúc nào. Công sở thì cách ngày chở rau đến bán một lần, còn chung cư ngày nào nhân viên cũng chở rau đến bán. Tôi đang chào bán ở mấy công ty nữa”, anh Toàn nói.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]