Các mặt hàng Thủ công mỹ nghệ, da giày... sẽ được miễn thuế từ ngày 1/1/2014 theo thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam-Chile (Ảnh: TTXVN)
Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế với Chile, ông Trần Đình Văn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Chile đã có một số chia sẻ xung quanh vấn đề này.
- Đầu năm 2014, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile bắt đầu có hiệu lực, ông nhận định như thế nào về cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này?
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile được ký kết vào ngày 11/11/2011 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2014. Theo tôi, đây là cơ hội lớn để hàng hóa của chúng ta xâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Bởi, ngay sau khi có hiệu lực một số mặt hàng của Việt Nam sẽ lập tức được hưởng thuế suất 0% như: sản phẩm giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, phân bón, bàn ghế gỗ, dụng cụ gia đình…
Việc được hưởng thuế suất 0% cũng tạo sức mạnh cạnh tranh cho hàng hóa của chúng ta hơn các nước trong khu vực có cùng thế mạnh.
Bên cạnh đó, Chile cũng như các thị trường khác trong khu vực Mỹ Latinh đòi hỏi chất lượng hàng hóa không quá khắt khe như các nước EU, Nhật Bản nên hàng hóa của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được, thậm chí là cạnh tranh rất tốt.
Từ năm 2010 trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile luôn đạt mức tăng trưởng trên 20%, dự kiến năm 2013 sẽ đạt khoảng 250 triệu USD. Đây là tiền đề tốt để chúng ta nâng cao tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này.
Đặc biệt, khi các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa được hàng hóa sang thị trường Chile thì cũng có khả năng chinh phục được cả 33 thị trường thuộc khu vực Mỹ Latinh. Đây thực sự là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp của chúng ta.
- Ông có thể nói rõ hơn về cơ hội khai thác thị trường các nước Mỹ Latinh thông qua thị trường Chile của hàng hóa Việt Nam?
Có thể nói Chile, Mehico, Peru, Colombia là những thị trường mở, có mức độ tự do thương mại rất lớn, hiện đang đóng góp 50% tổng giá trị xuất nhập khẩu của khu vực. Gần đây 4 nước này đã thành lập Liên minh Thái Bình Dương, đây là tổ chức thương mại lớn, có tiếng vang.
Hiện nay, nhiều nước châu Á đang đệ đơn xin làm thành viên không chính thức của tổ chức này. Chile cũng đã có Hiệp định Thương mại với các nước trong khu vực. Như vậy, nếu hàng hóa của Việt Nam có thể vào được thị trường Chile thì cũng có thể xâm nhập vào các thị trường khác trong Liên minh Thái Bình Dương và các thị trường lân cận.
Hơn nữa, Chile hiện đang là nước có mức đầu tư ra nước ngoài lớn nhất trong các nước Mỹ Latinh. Chile chủ yếu đầu tư vào các trung tâm thương mại, siêu thị để bán hàng, hệ thống siêu thị của họ có ở hầu hết các nước Mỹ Latinh. Do đó, với lợi thế thuế suất 0%, thông qua kênh phân phối của Chile, hàng hóa Việt Nam có cơ hội được giới thiệu và hiện diện ở thị trường các nước Mỹ Latinh.
Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả các nước Mỹ Latinh tuy giá trị giao thương vẫn chưa nhiều nhưng tốc độ tăng trưởng tương đối cao, năm 2011 là 5 tỷ USD, năm 2013 là khoảng 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, với dân số khoảng 600 triệu người, sức mua lớn, thu nhập bình quân 11.500 USD/năm như thị trường Mỹ Latinh, thì còn rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
- Để có thể khai thác được thị trường các nước Mỹ Latinh, trước hết là tận dụng được Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile, ông có khuyến cáo gì với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?
Mỹ Latinh là thị trường mới lại ở rất xa chúng ta nên hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp vào thị trường này phải hết sức chặt chẽ, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nếu không chúng ta sẽ mất rất nhiều chi phí.
Việc chọn địa điểm đi xúc tiến thương mại các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ vì Mỹ Latinh chia thành hai khu vực gồm: Các nước Nam Mỹ và các nước Trung Mỹ, Caribe.
Chúng ta nên lựa chọn đi theo hướng Nam Mỹ thì thuận lợi hơn vì có những nước chúng ta đã có quan hệ thương mại tương đối tốt như Brazil, Argentina, Peru… Ngược lại, nếu chúng ta chọn đi theo hướng các nước Trung Mỹ và Caribe thì nên chọn những nước gần nhau nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí.
Theo tôi, để hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả nhất, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng nên liên hệ với các Thương vụ ở khu vực Mỹ Latinh, để được hỗ trợ dưới nhiều hình thức như: Giới thiệu khách hàng, hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gắn kết doanh nghiệp nước sở tại với doanh nghiệp trong nước.
Hơn nữa, thương vụ cũng có thể giúp đánh giá về độ tin cậy, khả năng thanh toán của đối tác. Trước hết các doanh nghiệp trong nước nên gửi mẫu sản phẩm cho chúng tôi để trưng bày tại Thương vụ và giới thiệu với các doanh nghiệp bạn.
Mỹ Latinh tuy là thị trường xa với Việt Nam nhưng lại rất tiềm năng, tôi tin rằng nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các hoạt động xúc tiến thương mại, chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác được thị trường này.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Theo Đức Duy - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]