Ngày 02/06/2014, tại cuộc họp thường kỳ tháng 5 của Bộ công thương, Thứ trưởng bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định với báo chí: quan hệ kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường bất chấp những căng thẳng về chính trị. Bởi vì mối quan hệ này là mối quan hệ 2 bên cùng có lợi.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam có ít nhất 5, 6 mặt hàng quan trọng xuất khẩu sang Trung Quốc như nông sản chế biến, điều, cao su, hoa quả. Đồng thời, chúng ta cũng nhập khẩu rất lớn từ thị trường Trung Quốc. Việt Nam đang xuất siêu sang nhiều nước như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất cho những mặt hàng xuất khẩu như dệt may, thức ăn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây không phải là vấn đề mới và đã được nêu ra từ lâu chứ không phải từ vụ biển Đông lần này.
Theo thứ trưởng, muốn giảm nhập siêu chỉ có 2 cách: phải tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Việc tăng Xuất khẩu đang được làm khá tốt thể hiện ở việc kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng 28% trong 4 tháng đầu năm. Đối với vấn đề giảm nhập khẩu, cách duy nhất là tăng cường sản xuất trong nước. Theo đó, Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh đó là chiến dịch vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
“Làm tốt việc này sẽ giúp tăng tiêu dùng nội địa rất nhiều, khi mà chất lượng sản phẩm Việt Nam đã được khẳng định tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Đó thực sự là hành động yêu nước tại thời điểm này.” – thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định – “Sự kiện biển Đông lần này là một cú hích đẩy chúng ta phải làm mạnh hơn.”
Cu thể về công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương đang trình Thủ tướng đưa lên thành Nghị định, quy định cụ thể những điểm hỗ trợ ưu tiên cho ngành công nghiệp hỗ trợ cụ thể.
Theo Thứ trưởng, sự kiện biển Đông lần này có gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nhưng ảnh hưởng lớn nhất là về tâm lý. Khi mọi việc chưa rõ ràng, có thể chỉ gây ảnh hưởng nhỏ nhưng với tâm lý lo lắng, người dân và doanh nghiệp đã làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Ví dụ, người dân đua nhau đi mua vàng bất chấp giá vàng thế giới giảm. Sau đó, hậu quả là người dân đã thiệt hại khi giá vàng trong nước cuối cùng cũng giảm.
Thứ trưởng khẳng định lần nữa rằng quan hệ kinh tế giữa 2 nước vẫn rất bình thường. Bộ Công thương cũng đang thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về sản phẩm… để hỗ trợ DN Việt Nam.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]