Thế nhưng đại diện Bộ Công thương lại cho rằng nếu không tăng giá, xăng dầu sẽ bị xuất lậu...
* Ông NGUYỄN TUẤN QUỲNH (tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn):
Nên cân nhắc giảm thuế
Số tiền dân nộp vào quỹ bình ổn giá hiện nay đang nằm trong tay các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu.
Các doanh nghiệp và cơ quan liên quan không lường trước được biến động xăng dầu thế giới nên tinh thần là cứ giữ quỹ dồi dào cho chắc ăn.
Tuy nhiên, khi quỹ đã lên tới mức 1.600 tỉ đồng như hiện nay thì hoàn toàn có thể xả thêm quỹ để hạ giá bán lẻ.
Bên cạnh đó, vấn đề thuế nhập khẩu xăng dầu cũng đang là một nghịch lý tạo gánh nặng lớn. Hiện chúng ta áp thuế nhập khẩu 18% trên giá xăng dầu nhập khẩu.
Vậy là khi giá thế giới tăng, mức thuế đánh vào giá cũng tăng cao hơn, tăng kép. Nói cách khác, giá nhập về càng cao thì Nhà nước càng được lợi, người dân và doanh nghiệp càng chịu thiệt.
Do vậy, theo tôi, cần thay việc áp thuế nhập khẩu theo phần trăm bằng con số tuyệt đối, cố định. Điều đó sẽ không làm tăng áp lực nặng nề lên giá trong nước mỗi khi giá thế giới tăng.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần cân nhắc việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
Điều đó có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, song về lâu dài sẽ giúp tăng ngân sách bền vững khi đầu vào của doanh nghiệp giảm, qua đó làm giảm chi phí, giảm áp lực đầu vào và giúp doanh nghiệp tăng trưởng, mang lại nguồn thu ổn định và lớn hơn cho ngân sách.
Để thuế nhập khẩu như hiện nay khiến giá cao sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, người dân, tăng áp lực lạm phát.
Ngoài ra, nhiều người đang thắc mắc tại sao áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bình thường như xăng dầu.
Đáng ra thuế này chỉ áp dụng với mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu như thuốc lá, bia rượu.
Xăng dầu rõ ràng không nằm trong số không khuyến khích vì cần cho phát triển kinh tế. Có thể bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế môi trường sẽ hợp lý hơn.
* Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, người dân
Giá xăng dầu đồng loạt tăng cao liên tiếp năm lần từ đầu năm đến nay gây khó khăn không nhỏ cho người dân và doanh nghiệp.
Điều đáng nói là việc quản lý quỹ bình ổn đang rất bất cập khi để tại doanh nghiệp. Tại sao quỹ để tại Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) thì số dư lên tới hơn 1.000 tỉ đồng, còn để tại Tổng công ty Kỹ thuật và đầu tư thì quỹ đang âm khoảng 144 tỉ đồng hay Công ty cổ phần Lọc hóa dầu VN cũng âm quỹ hơn 29 tỉ đồng...? Đây là số tiền người dân đóng góp nhưng không biết nó được quản lý, sử dụng như thế nào?
Để đảm bảo việc sử dụng, trích cũng như quản lý quỹ minh bạch, tốt hơn hết quỹ nên để tại kho bạc hoặc ngân hàng thay vì để tại doanh nghiệp như hiện nay. Đồng thời phải có đại diện của người tiêu dùng như Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng VN, Ban bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương) có trách nhiệm giám sát quỹ. Bất kỳ doanh nghiệp nào sử dụng quỹ này phải trả lãi suất bằng với mức lãi suất tiền gửi của ngân hàng.
* Ông ĐẶNG VINH SANG (tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Saigon Petro):
Cần giảm chu kỳ tính giá xuống
Vừa rồi Nhà nước đã xả quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít trong đợt tăng giá vừa qua. Việc giảm thuế và tăng xả quỹ bình ổn giá là việc của các nhà điều hành thị trường, riêng tôi thấy rằng nếu làm vậy cũng là điều tốt.
Điều tôi quan tâm hơn là việc chúng ta đang thay đổi giá theo chu kỳ 30 ngày, rất lạc hậu so với diễn biến giá thế giới. Như đợt vừa rồi, giá thế giới sau khi tăng đã giảm trở lại thì lúc đó chúng ta lại tăng giá, gây bức xúc trong người tiêu dùng. Theo tôi, nên giảm chu kỳ tính giá còn từ 10-15 ngày là hợp lý, sát với diễn biến giá thế giới hơn.
* Một lãnh đạo Bộ Công thương:
Nếu không tăng giá, xăng dầu sẽ xuất lậu
Nếu không tăng giá, đẩy mức xả quỹ lên khoảng 900 đồng/lít, giá trong nước sẽ chênh nhiều với giá các nước lân cận, có thể đẩy buôn lậu, xuất lậu xăng dầu lên. Như vậy vô hình trung người tiêu dùng VN đang phải đóng quỹ để trợ giá cho cả người dân nước bạn. Thứ hai, quy luật bắt đầu vào mùa đông giá xăng dầu thế giới sẽ tăng. Với những yếu tố chính trị khó lường, giá xăng dầu cuối năm nay có khả năng sẽ tăng mạnh, trong khi đó chính là thời điểm doanh nghiệp tiêu dùng xăng dầu nhiều nhất để sản xuất hàng hóa cuối năm.
Theo chúng tôi, xả mạnh quỹ bình ổn ngay cũng được, nhưng khi giá thế giới tăng sốc sẽ không còn nguồn lực để đảm bảo chống sốc cho nền kinh tế.
* Ông TRẦN NGỌC NĂM (phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN, Petrolimex):
Tính đến yếu tố dài hạn
Nếu tăng mức xả quỹ bình ổn lên khoảng 900 đồng/lít để đỡ phải tăng giá thì doanh nghiệp xăng dầu cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, cần tính đến yếu tố dài hạn. Bởi chỉ tính riêng Petrolimex mỗi tháng bán ra khoảng 600.000m3 xăng dầu các loại, trong đó riêng xăng là 300.000m3 (mỗi mét khối tương đương khoảng 1.000 lít).
Nếu theo dõi thường xuyên diễn biến giá xăng dầu thế giới thì đợt tăng giá vừa qua không phải là bất ngờ. Tâm lý người tiêu dùng nói chung khi giá tăng thì không muốn tăng ngay, khi giá giảm thì muốn giảm ngay. Vì vậy, nếu cần thiết có thể đánh giá điều hành của liên bộ theo việc tăng hay giảm giá có theo đúng một căn cứ cụ thể không và đúng quy định không.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]