Nghị định 36 đã ra đời, rất cần sớm đưa vào cuộc sống. Cá tra là đối tượng thủy sản nuôi quan trọng của Việt Nam, đặc biệt của ĐBSCL. Trong năm 2013, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là thách thức từ các rào cản kỹ thuật, thương mại của thị trường nhập khẩu, các tỉnh nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn giữ được tổng diện tích 5.200 ha, sản lượng đạt 1.150.000 tấn với tổng kim ngạch XK 1,760 tỷ USD (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2012). Thị trường tiêu thụ cá tra ngày càng mở rộng, đến nay đã có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiêu thụ cá tra của Việt Nam.
Nhìn lại 12 năm trước (2001-2012), diện tích nuôi cá đã tăng từ 1.200 ha lên 6.000 ha; sản lượng từ 37.500 tấn lên 1.350.000 tấn; thành phẩm XK từ 17.000 tấn lên 660.000 tấn, và giá trị XK từ 40 triệu USD lên 1,7450 tỉ USD (năm 2011 đạt 1,805 tỉ USD, chiếm 34,4% tổng giá trị XK thủy sản của cả nước).
“Kỳ tích” trong từng ấy năm phát triển là thế nhưng ngành hàng cũng đã bộc lộ song hành nhiều bất cập, hạn chế trong nuôi, chế biến và xuất khẩu như: (i) Công tác qui hoạch và quản lý ngành hàng: sản xuất mang tính tự phát, không có sự định hướng phát triển kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước; (ii) về tổ chức và liên kết sản xuất lỏng lẻo, phân chia lợi ích trong chuỗi giá trị không hài hòa, cạnh tranh thiếu lành mạnh ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm chiến lược của quốc gia; (iii) về thương mại: quá nhiều đầu mối xuất khẩu, dư thừa công suất chế biến, sản phẩm không đồng nhất, kém chất lượng trong khi rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật càng gia tăng, đặc biệt giá thu mua nguyên liệu thường xuyên ở mức thấp hơn giá thành sản xuất; (iv) vai trò của các hội nghề nghiệp mờ nhạt: chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của người sản xuất chưa được thể hiện rõ, vai trò cầu nối giữa các các mắt xích trong chuỗi sản xuất chưa được phát huy.
Hậu quả, trong những năm gần đây việc sản xuất tiêu thụ cá tra gặp rất nhiều khó khăn, người nuôi bị thua lỗ kéo dài, nguy cơ phá sản của các DN chế biến thủy sản đang gia tăng, hiệu quả kinh tế chung của ngành hàng trong thời gian qua rất thấp làm thiệt hại đến lợi ích của quốc gia.
Vì vậy, phải có khung pháp lý mang tầm vĩ mô để thiết lập trật tự kỷ cương trong quản lý ngành hàng cá tra nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém tồn tại trong quá trình phát triển. Trong đó, phải có cơ chế để kiểm soát sản xuất, giám sát hoạt động chế biến, XK nhằm bảo đảm chất lượng, uy tín để khẳng định thương hiệu cá tra VN.
Đặc biệt, phải có cơ chế nâng cao hiệu lực và hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, phát huy vai trò tổ chức hội ngành hàng trong điều hành sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích các thành phần tham gia chuỗi giá trị. Qua đó, từng bước đưa ngành hàng cá tra vào sự quản lý toàn diện, phát triển một cách vững chắc, hiệu quả và ổn định.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]