Bà Nguyễn Hồng Điểu, GĐ Trung tâm KN Cần Thơ cho biết: Trồng nấm cao cấp là một trong những mục tiêu trong chương trình phát triển nông nghiệp đô thị cho các phường vùng ven thành phố và các xã NTM ở 4 huyện ngoại thành.
Đầu năm 2014, Trung tâm KN Cần Thơ cập nhật kỹ thuật mới, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn trồng nấm mèo, nấm rơm, nấm bào ngư… sau đó tổ chức hội thảo ghi nhận ý kiến nông dân trước khi nhân rộng mô hình.
Từ đầu những năm 1990, ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL đã biết cách trồng nấm rơm đạt năng suất cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, gia tăng thu nhập cho nông hộ vào những tháng nông nhàn sau mùa lúa. Sau những năm thăng trầm, nghề trồng nấm rơm vẫn phát triển mạnh. Tuy vậy từ năm 2006-2009 hoạt động trồng nấm rơm bị thu hẹp dần.
Những chợ rơm, làng chất nấm rơm từng nổi tiếng làm ăn nhộn nhịp “hái ra tiền” nhờ nấm rơm như ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), huyện Long Mỹ (Hậu Giang), huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) hay như Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ)... không còn như trước.
Vì nhiều lý do khác nhau nghề trồng nấm rơm chỉ còn thu hẹp trong phạm vi nông hộ SX nhỏ lẻ, số lượng nội tiêu tại các chợ trong vùng không đáng kể, chủ yếu dùng làm thực phẩm dưới dạng nấm tươi sau mùa thu hoạch lúa. Hiện nay bình quân giá nấm rơm vào ngày thường 30.000 - 35.000 đồng/kg, nhưng vào ngày lễ, tết lên từ 70.000 - 80.000 đồng/kg.
KS Phan Văn Bằng Phi, Phòng Kỹ thuật Trung tâm KN Cần Thơ nhận xét: "Trước đây 1 chai meo chứa phôi nấm dung tích 1 - 1,5 lít/chai có thể sử dụng cho 5m mô nấm. Tuy nhiên 1 chai meo hiện nay thể tích giảm hơn 50 -70% và chỉ đủ dùng cho khoảng 3m mô nấm. Mặt khác trong quá trình chọn rơm sạch, thân rơm không có nấm bệnh, tồn lưu thuốc BVTV và điều kiện thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm… khiến cho năng suất có giảm, thậm chí không đạt nên không kích thích nông dân trồng nấm.
Song, gần đây các mô hình trồng nấm trong nhà cho thấy ưu điểm kiểm soát ẩm độ, đảm bảo đạt năng suất cao nên có xu hướng phát triển trong nông hộ. Đặc biệt ở huyện Phong Điền một số hộ nông dân trồng nấm mèo đến khi thu hoạch có thể sơ chế, bảo quản tốt để chờ giá bán có lợi nhất.
Ông Lê Duy Thắng, Cty TNHH MTV Nấm Trang Sinh (TP.HCM) cho rằng: “Nước ta có điều kiện phát triển cho nghề trồng nấm. Ở các tỉnh phía Nam thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao, nguồn nguyên liệu là phế phẩm nông lâm nghiệp dồi dào nên thuận lợi cho nghề trồng nấm. Trong hơn 20 năm qua tuy có nhiều thành tựu và cải tiến đáng kể trong việc thay đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả SX nấm nhưng nhìn chung việc trồng nấm vẫn còn mang nặng tính thủ công.
Số lượng và chất lượng nấm làm ra luôn bị biến động nên khó đáp ứng cho thị trường xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước. Điều này đã được chứng minh qua thực tế tại TP.HCM, sản lượng nấm tiêu thụ hiện nay mỗi ngày 10 - 15 tấn, nhưng có hơn 80% nấm bán ra là nhập khẩu. Vì vậy bên cạnh kiểu nuôi trồng truyền thống, cần hướng tới mô hình SX công nghiệp để nấm có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế nước ta”.
Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ nói: "Đất SX nông nghiệp ở TP Cần Thơ không rộng lớn như các tỉnh trong vùng. Do đó chủ trương của TP hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, ở các huyện ngoại thành bước đầu tập trung nâng cao kỹ thuật, cơ giới hóa SX; chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó cơ cấu SX các loại nấm có giá trị cao, tạo thu nhập cho nông hộ trong điều kiện ít đất SX".
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]