Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) - một trong những đơn vị tiên phong đưa sản phẩm xăng E5 vào tiêu thụ, đã trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh việc tiêu thụ xăng E5.
* PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến việc đưa xăng E5 vào thị trường chưa đạt hiệu quả?
* Ông ĐẶNG VINH SANG: Theo chúng tôi, sự hiểu biết không đầy đủ về xăng pha ethanol và thói quen của người tiêu dùng là trở ngại lớn nhất trong việc tiêu thụ xăng E5 thời gian qua và sắp tới. Hiện nay, khi một cửa hàng xăng dầu kinh doanh đồng thời nhiên liệu sinh học và xăng truyền thống, người tiêu dùng vẫn ưu tiên chọn xăng truyền thống.
Ngoài ra, nên xem xét phương án kinh doanh xăng E5/E10 - RON92 trước, sau đó sẽ kinh doanh xăng E5/E10-RON 95 sau. Ngoài ra, cần kiểm soát và tránh tình trạng độc quyền trong phân phối E100. Vì hiện nay các nhà máy sản xuất cồn có công suất lớn ở Việt Nam thuộc về Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Do vậy, không loại trừ khả năng có các tình huống như: có sự liên kết và dẫn đến độc quyền trong phân phối cồn và dẫn đến tình trạng nâng giá cồn không hợp lý, tình huống bảo dưỡng - sửa chữa, sự cố và không cung cấp đủ cồn cho pha xăng.
Nhà nước cần có cách tính toán và quy định về giá và phân phối sao cho phù hợp và công bằng, công khai.
Phải quản lý các mặt hàng khác, đặc biệt là methanol, vì hiện nay giá methanol rất thấp, đặc biệt giá methane là nguyên liệu để sản xuất methanol cũng đang rất thấp, do vậy Nhà nước cần quản lý từ khâu nhập khẩu, tiêu thụ mặt hàng methanol và tuyên truyền giáo dục về sự nguy hại khi sử dụng methanol cho pha trộn vào xăng.
Cần dự trù và định hướng phương tiện thông tin đại chúng khi có vấn đề về chất lượng xăng pha cồn. Thông tin phải chính xác, cơ quan quản lý nhà nước cần lên tiếng kịp thời trong các trường hợp liên quan đến vấn đề chất lượng.
* Vậy, cần có những giải pháp gì để khuyến khích cũng như kích cầu sản xuất lẫn sử dụng xăng E5?
* Khi triển khai và ngay cả trong thời kỳ chuẩn bị hiện nay, các bộ ngành cần lưu ý các doanh nghiệp sau này thực hiện nhiệm vụ phối trộn cồn vào xăng không chủ quan. Công tác phối trộn phải bài bản về quy trình, thiết bị và công nghệ.
Các cơ quan quản lý phải kiểm tra, đánh giá và có ý kiến với các đơn vị trước khi thực hiện công tác pha trộn, như kiểm tra hợp quy, trình độ nhân viên, cơ sở vật chất, khả năng kiểm tra…
Doanh nghiệp kinh doanh xăng pha cồn cần có quy trình hướng dẫn các trạm bán lẻ.
Về kỹ thuật, doanh nghiệp cần có thiết bị cần thiết tối thiểu tại kho có pha trộn xăng E5/E10. Ví dụ, thiết bị kiểm tra hàm lượng nước trong cồn khi nhận hàng, tồn chứa cồn 95.5% (E100) vì đây là chỉ tiêu rất quan trọng trước khi pha.
Các doanh nghiệp cũng nên có các trung tâm pha chế, pha chế đúng kỹ thuật để đảm bảo chỉ pha ở phân khúc cuối trong lưu thông. Doanh nghiệp đầu mối hướng dẫn các cửa hàng và đại lý có quy trình nhận và bán xăng pha cồn.
Hiện nay, ở các nước, có hai phương án khi bắt đầu sử dụng xăng pha cồn. Phương án 1, Chính phủ hỗ trợ giá cho xăng pha cồn và kinh doanh song song cùng lúc hai loại xăng truyền thống và xăng pha cồn E10 (thường thì họ sử dụng thẳng xăng E10, không qua giai đoạn chuyển tiếp xăng E5).
Khi đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá để khuyến khích người dân sử dụng. Sự hỗ trợ này phải lớn, đủ hấp dẫn. Đa số các nước theo phương án này và có giá xăng E10 thấp hơn.
Phương án 2, bắt buộc kinh doanh và sử dụng xăng pha cồn. Phương án này có thể mang tính hành chính. Tuy nhiên nó có tính khả thi hơn và không phụ thuộc vào cơ sở vật chất của trạm xăng và thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp triển khai cụ thể và có thời gian chuyển tiếp khoảng 1 tháng.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]