Mắc ca được xem là loại cây mang đến thu nhập tỷ đô cho Việt Nam nếu biết cách khai thác và chế biến thành phẩm.Cây mắc ca có thời gian sinh trưởng khá dài. Thông thường, cây cần 5 năm để cho quả và sẽ đạt năng suất cao từ năm thứ 6, và có thể cho quả tới 60 năm tiếp theo. Riêng thân gỗ của loài cây này có thể sử dụng cho công nghiệp chế biến gỗ. Chi phí phân bón và chăm sóc không quá 50.000 đồng/cây mỗi năm (không tính chi phí giống).
Giá quả mắc ca trung bình vào thời điểm mới được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam lên tới 500.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn khoảng hơn 100.000 đồng/kg. Việt Nam hiện là nước có diện tích trồng mắc ca đứng thứ 11 trong số 17 nước trồng nhiều nhất thế giới.
Để giảm thời gian sinh trưởng và nhanh cho quả, nhiều chủ vườn dùng cây mắc ca ghép để trồng. Chỉ sau hơn 2 năm, cây đã cho hoa, và khoảng 2,5 năm sẽ cho mùa quả đầu tiên.
Cây mắc ca có yêu cầu về nhiệt độ khi ra hoa từ 18 đến 30 độ C, lý tưởng nhất trong khoảng 18 - 23 độ C.
Quả mắc ca có màu xanh đậm, mọc thành từng chùm lớn.
Khi khô, quả có màu nâu, bên trong chứa nhân hạt màu sữa. Quả mắc ca khô rất khó tách nhân bởi rất cứng. Mắc ca được đánh giá cao về mặt dinh dưỡng, khi nhân có hàm lượng dầu tới 78%, với trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Hàm lượng protein trong nhân tới 9,2%, gồm 20 loại axit amin và 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người.
Nhân mắc ca có thể sử dụng bằng cách chiên, dùng để chế biến nhân bánh chocolate, nước uống, dầu sa lát, ngoài ra còn có thể làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu.
Vỏ quả mắc ca có nhiều tac- nanh và protein có thể làm thuộc da và chế biến thức ăn chăn nuôi. Thậm chí, nó còn có thể dùng để sản xuất than hoạt tính, làm chất đốt, làm giá thể để ươm cây giống.
Không chỉ được trưng dụng trong các gian bếp, dầu mắc ca còn được coi là “thần dược” đối với làn da
phụ nữ. Loại quả này cũng được sử dụng với vai trò làm dung môi trong ngành sản xuất mỹ phẩm.
Theo Zing.vn