Đến nay, Việt Nam đã tổ chức được nhiều chương trình như thế với nhiều quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Mới đây nhất, ngày 22/9, tại siêu thị Casino Saint Didier ở quận 16, Paris, khai mạc “Tuần hàng Việt Nam tại Pháp” do Vụ châu Âu, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Casino - Pháp tổ chức.
Sự kiện này nhằm quảng bá, tăng cường xuất khẩu trực tiếp hàng Việt Nam vào các hệ thống phân phối của châu Âu, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng châu Âu bằng con đường ngắn nhất. Trong suốt thời gian tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Pháp, nhiều mặt hàng của Việt Nam từ hoa quả, hải sản, tôm cá đông lạnh, cho tới nem cuốn sẵn, các loại đồ khô như bún, phở, mỳ tôm... được bày bán tại siêu thị Casino Saint Didier.
Trong một tuần, siêu thị được trang trí theo phong cách Việt Nam với những vật liệu độc đáo đặc trưng của Việt Nam như gian hàng bằng tranh tre nứa lá, mâm ngũ quả… Bên cạnh đó, cờ Việt Nam được treo ở hàng cột ngoài cổng chính cũng như hàng loạt cờ nhỏ Việt Nam được chăng khắp nơi trong siêu thị và mọi hàng hóa đến từ Việt Nam đều được gắn cờ Việt Nam.
Casino là một trong những tập đoàn phân phối hàng đầu của Pháp và cũng là một trong những tập đoàn phân phối quốc tế đầu tiên có mặt và thành công tại Việt Nam với chuỗi siêu thị Big C. Tổng giám đốc Big C Việt Nam Laurent Zécri khẳng định hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập thành công tại thị trường Pháp và châu Âu qua chuỗi phân phối của Casino.
Hàng Việt Nam thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng sở tại.
Theo ông Zécri, nếu những chiếc bánh mỳ Pháp tạo thương hiệu cho Big C tại Việt Nam, sản phẩm có tiềm năng nhất của Việt Nam có thể thành công lớn tại Pháp và châu Âu là tôm đông lạnh. Giá mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam giờ cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm cùng loại của các nước khác, và điểm lợi thế lớn nhất, theo ông Zécri là tôm của Việt Nam được đảm bảo an toàn dịch bệnh hơn so với nhiều nước khác.
Việc tổ chức các Tuần hàng Việt Nam tại các chuỗi phân phối ở nước ngoài thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng sở tại tạo cơ hội cho các sản phẩm của Việt Nam được quảng bá trực tiếp đến người tiêu dùng; đồng thời tạo ra kênh giao thương trực tiếp giữa nhà sản xuất của Việt Nam với người tiêu dùng châu Âu.
Đây là một hoạt động nằm trong đề án cấp Chính phủ để quảng bá hàng Việt tại thị trường châu Âu, giúp các doanh nghiệp giới thiệu hàng hoá đến người tiêu dùng và bán hàng trực tiếp cho các hệ thống siêu thị.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Công Thương nhấn mạnh những lợi thế của việc tổ chức các sự kiện như thế này: “Qua xuất khẩu trực tiếp vào các chuỗi siêu thị lớn, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ lắng nghe được thị hiếu của người tiêu dùng sở tại, qua đó, có thể điều chỉnh các mặt hàng phù hợp. Thứ hai, tiếp xúc những chuỗi siêu thị lớn, các doanh nghiệp học được cách quản lý chất lượng tốt, phù hợp với tiêu chuẩn và đòi hỏi châu Âu.
Thứ ba, qua đây các doanh nghiệp có nguồn hàng phong phú. Ngược lại, các chuỗi siêu thị khi tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam, họ có thể kiểm tra nguồn hàng từ đầu, qua đó có thể yên tâm về chất lượng và có nguồn hàng phong phú. Thêm nữa, khi các doanh nghiệp và siêu thị làm việc trực tiếp với nhau, sẽ giảm các chi phí trung gian”.
Có một vấn đề trong mô hình hợp tác trực tiếp giữa doanh nghiệp với chuỗi phân phối bán lẻ Casino, đó là việc các sản phẩm của Việt Nam mới chỉ mang tên Casino chứ không in tên các nhà sản xuất của Việt Nam.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Bộ Công Thương có làm việc trực tiếp với tập đoàn Casino để thời gian tới, sẽ in song song logo của Casino và của các nhà sản xuất Việt Nam để góp phần xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường Pháp và châu Âu./.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]