Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ rằng mua sắm quần áo, giày, phụ kiện... vừa là hành động logic lại giàu cảm xúc. Vì vậy, các cửa hàng ngày nay luôn chơi đùa cùng trí óc lẫn trái tim của các tín đồ thời trang.
Và bạn có biết tất cả những yếu tố từ sản phẩm, trưng bày đến nhân viên đều có dụng ý sâu xa? Hãy cùng khám phá ngay.
Mọi cửa hàng khi đến mùa mua sắm đều trao bảng sales rất to: giảm giá đến 50%, 70%... Nhưng khi bạn bước vào, chỉ có số lượng nhất định món hàng giảm khủng đến thế thôi – và ít khi nào là mẫu mới nhất hay "chất" nhất!
Các món còn lại giảm nhẹ 10% hoặc nguyên giá. Nhưng cửa hàng đã thành công trong việc lôi kéo bước chân của bạn mất rồi.
Và bạn có để ý các bảng sales đều bật lên màu đỏ chói chang? Tâm lý học đã chỉ ra đây là màu sắc kích thích nhất và khiến người mua hàng muốn "hành động"!
Có khi nào bạn ngửi thấy mùi hương dịu nhẹ trong các cửa hàng thời trang sang trọng? Họ đã cố tình tạo ra mùi hương ấy vì nó có liên kết trực tiếp đến cảm xúc, thậm chí là kỉ niệm của người mua.
Mùi dừa thoang thoảng có thể gợi nhớ đến bãi biển và thời trang ngày hè, trong khi mùi hương cam, chanh,... tạo sự tinh tế và "chanh xả". Việc sử dụng mùi hương này cũng là 1 nghệ thuật, vì nếu quá nhiều sẽ gây "choáng", nếu quá ít lại không có tác dụng.
Còn chúng ta, hãy tự nhắc mình tập trung tìm món đồ cần thiết rồi về, bởi vì...
Dạo quanh các cửa hàng sẽ giúp não sinh ra chất endorphins, tạo ra trải nghiệm hài lòng sảng khoái.
Biết được điều này, các cửa hàng thời trang luôn muốn khách hàng "ở chơi" càng lâu càng tốt, khi đó endorphins đã sinh ra nhiều và bạn trở nên hưng phấn!
Và đây là 1 số tuyệt chiêu cửa hàng giữ chân bạn:
- Không gian chung: càng rộng càng tốt. Nếu không rộng, họ sẽ lắp kính, bài trí gọn gàng để tạo cảm giác thoáng đãng hơn. Vì chẳng ai thoải mái mua sắm ở nơi đông đúc cả.
- Âm nhạc: nếu như các cửa hàng thức ăn nhanh chơi nhạc có tiết tấu dồn dập để bạn... mau chóng ăn và rời đi, thì cửa hàng thời trang chơi nhạc chậm để phân tán sự tập trung, khiến các quyết định mua "dễ dãi" hơn.
Càng có nhạc - bạn càng dễ mất tập trung và "xuống tay" dễ dãi hơn.
Cửa hàng phổ thông thường chơi nhạc pop, trong khi thời trang cao cấp thường gắn với nhạc jazz, cổ điển...
- Màu sắc: nếu bên ngoài cửa hàng toàn là màu đỏ, cam, vàng hút mắt thì bên trong là màu xanh lá hoặc màu lạnh tạo cảm giác bình yên.
Bạn cũng thường gặp cách thức này đúng không: giảm giá, nhưng đính kèm điều kiện mỗi khách hàng chỉ mua tối đa 2,3 cái.
Hầu hết chúng ta nhìn thấy giới hạn đó đều nghĩ: "Ồ, chắc chắn sản phẩm đó bán rất chạy, có vẻ hời". Thế là bạn mua liền tay 2 cái áo trong khi dự định ban đầu chỉ là 1 mà thôi! Vậy là cửa hàng vừa bán thêm cho bạn 1 chiếc áo nữa rất dễ dàng.
Điều này đúng với các cửa hàng bán lẻ nói chung, nhưng dễ nhận thấy nhất ở cửa hàng quần áo, giày, phụ kiện,...
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi chạm hay cầm món hàng lên, não bộ sẽ lưu lại kí ức khó phai.
Hơn nữa, càng chạm nhiều và cảm nhận chất vải, form dáng,... bạn càng nảy sinh ham muốn sở hữu. Lấy một ví dụ đơn giản, nếu chồng quần jeans xếp gọn gàng ngay ngắn, chúng ta thường chỉ lướt qua xem vài ba cái trên cùng.
Nhưng nếu chúng được treo trên sào, thể nào ta cũng ngắm nghía tất thảy!
Vì vậy, các cửa hàng khôn ngoan luôn cố gắng bài trí các món đồ cho vừa tay khách hàng, không treo thứ gì quá cao hay khuất lấp.
Lại một chiêu "đánh lạc hướng" nữa: đôi khi nhà sản xuất sẽ làm ra sản phẩm có size rất lớn mà chẳng mấy ai mặc vừa, để rồi khách hàng phổ thông sẽ cực hạnh phúc khi tìm thấy mình... vừa vặn trong chiếc áo size nhỏ!
Ví dụ, bạn có biết một chiếc quần dài nam với vòng eo 36 inch có số size "thiên biến vạn hóa" như thế này không? Ở H&M nó có size 37, ở Gap là size 39 và ở Old Navy là 41!
Lời khuyên là lần tới khi shopping, cứ chú tâm chọn món vừa vặn thôi, đừng quá để ý số size làm gì. Bạn mặc size S hay M hay XL thì cũng có ai biết đâu?
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu nhân viên nữ chạm nhẹ vào vai khách hàng, ngay lập tức họ sẽ khiến bạn thấy gần gũi và thoải mái hơn.
Ngoài ra, nếu nhân viên (cả nam lẫn nữ) bắt chước những cử chỉ của khách, họ cũng làm chúng ta thấy thân thuộc và nhanh chóng quyết định mua hàng dù trước đó còn đang băn khoăn.
Nhưng mọi chuyện sẽ khác ở cửa hàng cao cấp.
Trong nghiên cứu có tựa đề rất độc đáo từ ĐH British Columbia, Canada: "Should the Devil Sell Prada?" (Có phải hàng hiệu toàn do yêu nữ bán?), họ chỉ ra rằng nhân viên cửa hàng cao cấp như Loius Vuitton hay Gucci thường lạnh lùng một cách có chủ ý.
Thử hỏi nếu bạn hiếm khi shopping ở những nơi đắt đỏ ấy mà một hôm bỗng "nổi hứng", nhưng lại gặp nhân viên "mặt lạnh như tiền" thì phải làm sao? Hầu hết mọi người bực mình – tất nhiên rồi – nhưng họ cũng bốc đồng và quyết định mua hàng ngay tức khắc!
Điều này giống như diễn viên hài kịch Groucho Marx từng nói: "Chúng ta thường muốn vào những hội kín mà hội đó không muốn chúng ta là thành viên"!
Các cửa hàng đã biến tấm gương trong phòng thử đồ thành "tấm gương ảo ảnh" khiến bạn trở nên lung linh hơn. Mẹo nhỏ là họ thường lắp ánh sáng nhẹ, hồng hào giúp không gian như sáng lòa.
Một thống kê cho biết, 19% khách hàng quyết định mua sau khi họ hài lòng với hình ảnh phản chiếu của mình qua gương!
Tạm kết
Bạn thấy đó, các cửa hàng thời trang quá thông minh để thu hút chúng ta ngay từ bên ngoài, rồi dẫn dắt ta khắp mọi nẻo đường để đến... quầy tính tiền!
Đó là lí do vì sao trước khi đi ai cũng khẳng định là "chỉ xem thôi", mà khi về lại tay xách nách mang.
Các cửa hàng có thể áp dụng 1 hay vài "chiêu" ở trên, hoặc sáng tạo theo cách khác. Nhưng là người mua, nếu muốn tiết kiệm, bạn hãy nhớ rằng cần tập trung tinh thần vào món mình đang cần, tránh phân tâm rồi bị "dẫn dụ" đấy.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]