Tập trung xuất thô, phụ thuộc Trung Quốc
Ngày 30/7, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Bộ Công thương) đã công bố nghiên cứu dự án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các mặt hàng tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam có sắn, cà phê, mây tre lá, cao su, gốm sứ, cá tra, du lịch... Nhóm có tiềm năng xuất khẩu thấp gồm gạo, mía đường...
Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, sắn là cây trồng dễ thích nghi, dễ trồng ở Việt Nam. Thị phần sắn Việt Nam trên thị trường thế giới đạt 27,3%. Thị trường sắn xuất khẩu ngày càng được mở rộng từ con số 59 nước và vũng lãnh thổ năm 2009 đã lên đến khoảng gần 100 nước và vũng lãnh thổ vào năm 2012 cần nhập.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu sắn chủ yếu của Việt Nam vẫn là Trung Quốc với 85% tổng giá trị xuất khẩu ngành sắn Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu sắn trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần ưu tiên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Một trong những cảnh báo của nghiên cứu là cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam dựa quá nhiều vào các sản phẩm thô, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng thấp.
"Kinh nghiệm của các nước chỉ ra rằng nếu cơ cấu xuất khẩu chỉ tập trung vào một số ngành hàng, đặc biệt là những hàng hóa thô, thì khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững trên diện rộng", báo cáo viết.
Thói quen "sẵn bán, sẵn đào"
Nói về thực trạng "tư duy bán rẻ, bán nhiều" chủ yếu là xuất khẩu thô và xuất sang Trung Quốc, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD cho biết, chính sách mua rẻ, bán rẻ, xuất khẩu thô và nhập khẩu các sản phẩm đã qua chế biến...của Việt Nam thể hiện cách làm ăn dựa vào kinh tế tài nguyên, tư tưởng "chụp giựt" trong kinh doanh, không tính toán làm ăn lâu dài theo quy tắc thị trường.
"Dựa vào kinh tế tài nguyên thường mang lại lợi nhuận nhanh hơn cho doanh nghiệp, thay vì phải nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến các sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Nguồn tài nguyên bao giờ cũng có giới hạn,đếnlúc sẽ cạn kiệt và Việt Nam lại phải dùng đô la để nhập về chính những sản phẩm mà chúng ta đã xuất khẩutrong tương lai không xa", GSTS Đặng Đình Đào cảnh báo.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phân tích: Chúng ta đang bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Phụ thuộc là một thói quen, thói quen mua rẻ, bán rẻ, bán nhiều khiếnViệt Nammất đi động lực, sức phát triển trong cạnh tranh với thị trường mới.
Vì thói quen "sẵn bán, sẵn đào" dẫn đến không có động lực nâng cao chất lượng sản phẩm, không tạo ra được sản phẩm đặc thù, chỉ quen xuất thô.
Nếu cứ duy trì tình trạng này sẽ rất nguy hiểm, về lâu dài nó sẽ tạo ra thói quen ỷ lại, một sức ì nguy hiểm không có động lực trong phát triển kinh tế.
Đó là thực tế vì sao chúng ta từ trước tới nay chủ yếu hướng tới thị trường phổ thông, dễ tính còn thị trường cấp cao thì không có sản phẩm cạnh tranh, không tạo được vị thế trên thị trường.
TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Quốc gia (VEPR) cũng chỉ rõ hậu quả của tình trạng xuất thô, nhập tinh:"Sản xuất công nghiệp của quốc gia xuất khẩu tài nguyên bị thu hẹp, thậm chí không thể phát triển được do bị gắn chặt vào việc xuất khẩu tài nguyên và các hàng hóa có hàm lượng kĩ thuật thấp.
Về lâu dài, nền kinh tế sẽ mất khả năng cải thiện năng suất do sản xuất công nghiệp bị thui chột và thiếu đổi mới, sáng tạo", TS Phạm Sỹ Thành cảnh báo về cái bẫy của hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm, hay còn gọi là bẫy tự do hóa thương mại trong mối quan hệ Việt - Trung.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]