Câu chuyện điều hành giá xăng dầu, trong đó có việc sửa đổi nghị định 84 một lần nữa được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội chiều 10/6. Tuy nhiên, một trong những vấn đề gây chú ý nhất lại nằm ở dự định chuyển đầu mối điều hành giá từ Bộ Tài chính sang Công Thương.
Đại biểu Lê Thị Nga, đoàn Thái Nguyên đặt câu hỏi: "Liệu việc này có làm nặng nề thêm tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi của Bộ Công Thương hay không?”, bà Nga chất vấn.
Trước đó, hồi tháng 5, theo thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới (thay thế Nghị định 84), Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu, thay cho Bộ Tài chính.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính, Đinh Tiến Dũng lý giải, việc chuyển điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công thương bình thường do Luật giá quy định như vậy. Ông cũng cho biết, trong quá trình điều hành giá xăng dầu trước đây, hai Bộ vẫn song hành cùng nhau.
Tuy vậy, khi được yêu cầu trả lời thêm để làm rõ, Bộ trưởng Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng cho biết, bản thân cơ quan này không muốn điều chỉnh như vậy mà vẫn muốn để Bộ Tài chính chủ trì công tác điều hành giá xăng. "Tuy nhiên, nếu Chính phủ quyết định thì chúng tôi xin chấp hàng và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính", ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, hiện nay Bộ Tài chính quản lý, mỗi lần điều chỉnh giá đều hỏi ý kiến Bộ Công Thương. Nếu giá xăng được chuyển sang Bộ Công Thương thì ngược lại, cơ quan này vẫn phải hỏi Bộ Tài chính. "Nếu được thông qua thì hai Bộ chỉ đổi vai cho nhau theo cơ chế liên ngành chứ không phải một bộ quyết định được", ông Hoàng nói.
Liên quan đến câu hỏi của bà Nga về việc chậm sửa đổi Nghị định 84, ông Hoàng cho biết xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội và hứa sẽ cố gắng thực hiện công việc này trong thời gian sớm nhất.
Theo người đứng đầu ngành Công Thương, Nghị định 84 trong thời gian qua đã tạo tiền đề thuận lợi trong việc xây dựng cơ chế giá theo thị trường có quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, văn bản này còn tồn tại nhiều bất cập và đòi hỏi một cơ chế mới bám sát hơn diễn biến thị trường thế giới, tần suất, điều chỉnh giá ngắn hơn. Bên cạnh đó, cần tạo thêm điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, tránh độc quyền và cơ chế nhằm sử dụng hiệu quả hơn Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Ngoài xăng dầu, đại biểu Lê Thị Nga cũng đặt câu hỏi liên quan đến việc tính giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố thanh giá điện của EVN đã cho thấy những sai trái trong việc tính cả chi phí xây biệt thự, chung cư, sân tennis... vào giá điện. "Bộ Tài chính được giao chủ trì việc rà soát những sai phạm này. Vậy kết quả ra sao và quan điểm của Bộ trong việc xử lý những vấn đề trên", đại biểu chất vấn.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết đã có văn bản hồi tháng 5, báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Theo đó, Bộ hướng dẫn EVN được phép tính chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, người lao động... vào chi phí kinh doanh. Còn phần chi phí cho loại nhà đơn lập, song lập, chung cư thuê sử dụng, không được hạch toán vào giá điện.
Với những công trình trường mầm non, EVN được sử dụng quỹ phúc lợi để xử lý, tính vào chi phí đầu tư công trình. "Chi phí khấu hao những công trình này không được tính vào giá thành điện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất EVN phải xây dựng quy chế trong quản lý vận hành tòa nhà theo quy định hiện hành", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, qua kiểm tra, chỉ có Nhà máy Nhiệt Ô Môn I tại Cần Thơ là có bể bơi, biệt thự... vì đây là công trình sử dụng vốn vay của Nhật Bản. Công trình cũng được xây dựng để phục vụ chuyên gia Nhật. Còn 6 dự án điện khác đều không có hạng mục nêu trên. Ngoài ra, cũng chỉ có dự án Phú Mỹ I được xây từ lâu nên có tính vào chi phí giá thành điện, mỗi năm chỉ khoảng 1-3 tỷ đồng. 4 nhà máy khác mới được xây dựng nên không có chuyện tính chi phí đầu tư vào giá thành điện.
"Các công trình này đa số ở vùng sâu, vùng xa nên bao giờ cũng quan tâm khu nhà ở cho công nhân, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Một số công trình, EVN đang thu tiền thuê nhà của người lao động, chưa tính chi phí xây dựng vào giá thành điện", ông Hoàng cho hay.
Sau khi nghe phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính và Công Thương, bà Nga cho rằng, các cơ quan Bộ ngành nên yêu cầu EVN gương mẫu trong cách tính giá điện, để làm gương cho doanh nghiệp nhà nước khác.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]