Xóa áp lực nhập khẩu
Theo TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, chỉ cần tấm giấy chứng nhận an toàn sinh học từ Bộ Tài nguyên môi trường (dự định có vào cuối năm nay) thì những giống bắp biến đổi gen (BĐG) này sẽ trở thành sản phẩm (SP) được sản xuất và buôn bán phổ biến trên thị trường.
Giống bắp biến đổi gen (BĐG) này sẽ trở thành sản phẩm (SP) được sản xuất và buôn bán trên thị trường.
Để được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học, phải đáp ứng các điều kiện: đã được khảo nghiệm trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, kết quả khảo nghiệm được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận đạt yêu cầu, sinh vật BĐG được Hội đồng An toàn sinh học kết luận là an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học. Những điều kiện này, theo TS Xô, loại bắp BĐG được cấp xác nhận đã hội đủ.
Theo Bộ NN&PTNT, quyết định cấp giấy xác nhận này được ban hành sau quá trình xem xét và được chấp thuận bởi Hội đồng An toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi BĐG theo đúng trình tự được quy định theo thông tư 02/2014/TT-BNN&PTNT.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong sáu tháng đầu năm 2014, so với cùng kỳ năm trước, khối lượng bắp nhập khẩu tăng gấp 2,4 lần về lượng và 87,1% về giá trị; khối lượng nhập khẩu đậu nành (đậu tương) tăng 25,8% về lượng và 22,3% về giá trị.
Áp lực về nhập khẩu hàng triệu tấn bắp mỗi năm (chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi) đã thôi thúc ngành nông nghiệp công nhận SP BĐG, do các loại cây trồng BĐG có khả năng tự kháng sâu bệnh, cỏ dại, chịu hạn, chịu lạnh, chịu mặn, giàu dưỡng chất… năng suất lại cao hơn 10-20% so với các giống bắp truyền thống. Việc khảo nghiệm bắp BĐG được tiến hành trên diện rộng ở nhiều địa phương thuộc nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Sơn La, Nghệ An, Đăk Lăk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vẫn cần cẩn trọng
Đến thời điểm này, giới khoa học trong và ngoài nước vẫn chia làm hai phe ủng hộ và phản đối việc sử dụng các loại cây trồng BĐG làm thực phẩm. Theo những người phản đối, việc sử dụng SP BĐG là chạy theo lợi nhuận, bỏ qua những hiểm họa đối với người sử dụng và môi trường. Cụ thể là nguy cơ gây dị ứng và một số tác động khác ở người có cơ địa nhạy cảm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp (đề nghị không nêu tên) cho biết, một số nước châu Âu vẫn tỏ ra thận trọng với thực phẩm BĐG vì đã có trường hợp chuột được thử nghiệm cho ăn bắp BĐG trong suốt vòng đời bị ung thư. “Dù ở nước ta đã trồng khảo nghiệm nhưng cũng chỉ khảo nghiệm ở góc độ sinh học (ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học trên cơ sở đánh giá những nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại…), còn tác động đến sức khỏe con người thì thế giới vẫn chưa đánh giá hết được. Hơn nữa, cây trồng BĐG đều là SP của các công ty đa quốc gia chứ không phải từ các đơn vị trong nước nên có thể việc phổ biến cây trồng BĐG chỉ làm lợi cho doanh nghiệp nước ngoài”, vị này lo ngại.
SP BĐG được sử dụng tại nhiều quốc gia từ 15 năm qua và không ghi nhận trường hợp nào ảnh hưởng đến người sử dụng, cho dù là bị dị ứng.
Trong khi đó, giáo sư Bùi Chí Bửu, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, năm 2011, tại Mỹ đã có nghiên cứu tác động của bắp BĐG sử dụng làm thức ăn đối với heo nái và hệ thống miễn dịch của heo con. Kết quả là không tìm thấy những tác động đến sức khỏe vật nuôi so với việc sử dụng thức ăn chăn nuôi truyền thống. Tiến sĩ Leo Gonzales (Philippines) cũng cho rằng, SP BĐG được sử dụng tại nhiều quốc gia từ 15 năm qua và không ghi nhận trường hợp nào ảnh hưởng đến người sử dụng, cho dù là bị dị ứng.
Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên các SP này được xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Theo đại diện Cục Chăn nuôi, mặc dù chưa chính thức công nhận, nhưng những SP bắp, đậu nành Việt Nam nhập khẩu về làm thức ăn gia súc từ trước đến nay hầu hết là cây trồng BĐG. Trả lời báo chí, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Lê Huy Hàm nói: nếu chưa có quy chế thì khó kiểm soát các thứ BĐG khác vào ra Việt Nam. Từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2015, tất cả những đơn vị nhập khẩu các mặt hàng bắp, đậu nành phải đăng ký và đều phải được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Ngoài hồ sơ chứng minh về an toàn như ở các nước khác, Việt Nam còn yêu cầu phải có giấy chứng nhận đã được năm nước phát triển cho phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và thực phẩm cho người.
Dù cho rằng phổ biến SP BĐG là xu hướng tất yếu, TS Dương Hoa Xô cũng lưu ý việc khảo nghiệm được tiến hành trong ba năm (2010-2012) với một số chỉ tiêu cơ bản trên đồng ruộng nên không thể giải quyết và trả lời được hết mọi nguy cơ rủi ro có thể xảy ra với môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
Do đó, đơn vị có giống cây trồng BĐG phải cung cấp đầy đủ thông tin, các kết quả nghiên cứu về giống cây cây trồng BĐG tại các nước có điều kiện tương tự. Khi Bộ Tài nguyên môi trường cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học, những đơn vị có giống cây trồng BĐG vẫn phải tiếp tục theo dõi, giám sát để tiếp tục đánh giá các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi đưa giống cây trồng BĐG vào sản xuất. “Hiện đang có thêm khá nhiều giống bắp, đậu nành cũng đang nộp đơn chờ Bộ NN&PTNT xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm hay thức ăn chăn nuôi”, TS Xô cho biết thêm.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]